Cả ngôi nhà kiên cố của một gia đình ở ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn bị cuốn trôi xuống sông Vàm Cỏ Tây (Ảnh tư liệu)
Hiểm nguy rình rập
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh, tình trạng sạt lở bờ sông VCT vẫn xảy ra ở nhiều địa phương: Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân An, Kiến Tường,... Hiểm nguy luôn rình rập, đoe dọa đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Tại huyện Châu Thành, tình trạng sạt lở ven sông VCT xảy ra nhiều nhất tại địa bàn xã Bình Quới và Phước Tân Hưng. Riêng tại xã Phước Tân Hưng, ngay đoạn vòng cung cống Eo Đéc, tình trạng sạt lở đến mức báo động, làm cho 1 hộ dân mất toàn bộ nhà cửa và một phần đất đai.
Vụ sạt lở bờ sông VCT xảy ra tại đoạn thuộc xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ cách đây vài năm cũng khá nghiêm trọng, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất và một số cây trồng bảo vệ bờ sông. Quy mô sạt lở dài 40m, sâu vào bờ 10m và đang tiến sát đến gần nhà dân. Hay vụ sạt lở, sụp lún đất xảy ra gần khu vực sông VCT thuộc ấp Vườn Xoài, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, với chiều dài khoảng 50m, chiều rộng từ mép sông trở vào khoảng 12m, làm sụp lún với độ sâu từ 0,8 - 1m so với hiện trạng.
Vụ sạt lở ở cặp bờ sông VCT khá nghiêm trọng thuộc ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa cuốn trôi 3.150m3 đất và một số cây trồng trên đất của một gia đình. Chiều dài sạt lở khoảng 45m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 7m dạng hàm ếch, chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng 10m.
Đâu là nguyên nhân?
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Lưu - Trưởng trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Thạnh Hóa thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc sạt lở, xói mòn ven sông là quá trình lớp đất mép sông sạt lở trôi theo dòng nước làm cho diện tích bờ sông bị thu hẹp dần. Nguyên nhân có thể là do dòng chảy của nước quá mạnh cuốn trôi lớp đất ven sông; mực nước lũ dâng cao khiến hàm lượng nước trong đất nhiều làm cho đất mềm yếu rồi sạt lở; quá trình xây dựng (nhà ở, công trình), khai thác (đất, cát), canh tác nông nghiệp của con người làm cho kết cấu đất bị thay đổi dẫn đến dễ sụt lún và sạt lở,...
Hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của yếu tố tự nhiên như mưa, gió, lũ lụt,... và các hoạt động khai thác, canh tác của con người khiến lớp đất đang ngày càng trở nên thoái hóa, nghèo dinh dưỡng. Những tác động này làm cho đất dần mất đi khả năng sản xuất, giảm sự kết dính giữa các hạt đất là nguyên nhân khiến nền đất bị suy yếu, dễ sụt lún, sạt lở và xói mòn,... Anh Trần Duy Khoa (ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) có nhà ở sát bờ sông VCT, chia sẻ: “Nền địa chất bờ sông, nhất là bên lở thường yếu. Tôi ở đây đã lâu, khi xây nhà phải đóng cừ và đổ đất, cát sỏi rất nhiều nhưng do nước xói mòn ngầm nên kết cấu nhà bị ảnh hưởng. Khi đóng cọc (cây dừa) để bảo vệ nền nhà thì nền nhà lại bị lún theo vì đất không có chân”.
Ông Đỗ Đình Cung - cán bộ hưu trí (ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cho biết: “Từ khi Nhà nước cho xây bờ kè, người dân ở đây rất mừng (hơn 30 hộ ở cặp sông VCT). Tuy nhiên, khi thi công đóng cọc thì làm lún nền bờ sông và ảnh hưởng đến kết cấu nhà của người dân”.
“Tôi sống ở đây từ hồi trước giải phóng, khi đó nhà cửa rất ít, chủ yếu là nhà lá hoặc mái tôn (rất ít nhà tường), bây giờ dân về ở đông đúc, đa số xây nhà tường nên nền đất ven sông VCT cũng bị yếu đi. Hơn nữa, dòng chảy đã bị thay đổi nên tình trạng sạt lở xảy ra nhanh hơn và nguy hiểm hơn" - bà Nguyễn Thị Huệ (70 tuổi, ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn) nói.
Trước tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ mỗi ngày thêm phức tạp, người dân sống ven sông VCT mong muốn các ngành chức năng của Trung ương, tỉnh sớm có phương án, tranh thủ nguồn lực đầu tư các công trình chống sạt lở để bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân./.
(còn tiếp)
Bài 2: Nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây
Hoài Đăng - Văn Lưu