Mong con, cháu ấm no, hạnh phúc
Chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Diệu, 74 tuổi, ngụ ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - hộ nghèo của xã.
Vợ chồng ông Phạm Tuấn Doanh thường đọc sách, báo để tìm niềm vui trong cuộc sống
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà Diệu sống nhờ ông bà ngoại. Tuổi thơ chịu nhiều cơ cực, 21 tuổi, bà lập gia đình với hy vọng cuộc sống ổn định hơn. Nhưng hạnh phúc không trọn vẹn, chồng bà qua đời lúc người con gái út vừa tròn 8 tháng tuổi.
Một mình bà Diệu bươn chải nuôi 4 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Vậy là cái nghèo lại đeo bám. Gia đình chỉ có vài sào đất để canh tác nên bà phải làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập. Từ Quỹ Vì người nghèo của xã, bà được hỗ trợ 15 triệu đồng sửa lại căn nhà rộng rãi, kín đáo hơn.
Bà Diệu chia sẻ: “Ngôi nhà ấy là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không phải lo lắng mỗi khi mưa gió như ngày trước nữa”. 74 tuổi đời, có lẽ, đây là niềm hạnh phúc của bà Diệu!
Không còn buồn rầu chuyện nhà cửa nhưng vì còn nghèo, bà Diệu vẫn canh cánh nỗi lo. Hiện tại, 4 người con của bà làm thuê, làm mướn kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho gia đình. “Tôi chỉ mong các con có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống để tiếp tục nuôi dạy các cháu học hành đến nơi, đến chốn, không phải sớm dở dang chuyện học như đời ba mẹ của tụi nhỏ. Chỉ vậy thôi là tôi mãn nguyện rồi!”.
Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tuổi già vẫn nặng nỗi lo như thế! Còn với những gia đình khá giả, khi tuổi già, cha mẹ an tâm về các con.
Ông Phạm Tuấn Doanh, ngụ ấp 2, xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ, tâm sự: “Ngày trước, vợ chồng tôi vất vả nuôi 3 đứa con ăn học. Bây giờ, 3 đứa đều đi làm xa, chỉ còn vợ chồng già trong căn nhà nhỏ, tự chăm sóc nhau. Nhưng, không vì thế mà vợ chồng tôi phiền trách các con. Là cha mẹ, chỉ mong các con có cuộc sống tốt là chúng tôi vui rồi!”.
Niềm vui trong cuộc sống
Gần 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Phạm Tuấn Doanh vẫn còn khỏe. Các con đi làm xa, người ở TP.HCM, người sống tận TP.Biên Hòa , tỉnh Đồng Nai nên mỗi ngày trôi qua, vợ chồng ông tự tìm niềm vui trong cuộc sống.
Khi được hỏi, vợ chồng ông có buồn khi nhà trên, bếp dưới vắng hoe, ông Doanh cười nói: “Nếu nói không buồn thì không đúng. Tuổi già ai chẳng mong sống cạnh con, cháu cho vui cửa, vui nhà. Nhưng, vì công việc, tụi nhỏ phải sống xa gia đình; vậy nên, cha mẹ ở nhà sống vui, sống khỏe để các con an tâm công tác”.
Chỉ tay về phía trước nhà, ông Doanh nói: “Đó là vườn rau mà vợ chồng tôi tự trồng để dùng trong nhà, thỉnh thoảng mang cho bà con lối xóm. Còn phía sau nhà, vợ tôi nuôi gà, vịt; tôi thì nuôi thỏ. Vợ chồng tôi đều có lương hưu, trợ cấp thương binh và có thể sống “khỏe” từ những khoản tiền này, nhưng chúng tôi vẫn thích lao động. Bởi, lao động vừa giúp tinh thần thoải mái, vừa mang lại niềm vui từ cuộc sống”.
Niềm vui của vợ chồng ông còn là thói quen đọc sách, báo. Trong gian nhà nhỏ của ông có một tủ sách với nhiều loại. Cứ vài ngày, ông chọn một quyển để đọc và thư giãn. Chiếc bàn đặt trước nhà là nơi đựng các loại báo mà ông đặt mua hàng ngày.
“Đọc báo có nhiều lợi ích, vừa giúp nắm bắt thời sự, vừa mang lại sự thoải mái tinh thần cho những người lớn tuổi như vợ chồng tôi” - bà Nguyễn Thị Thư, vợ ông Doanh chia sẻ.
Khi đề cập chuyện ốm đau khi trong nhà chỉ có 2 vợ chồng già, ông Doanh trả lời: “Bà con xa không bằng láng giềng gần. Vì vậy, mình sống đoàn kết, gần gũi và nghĩa tình thì hàng xóm sẽ giúp đỡ. Có lần, tôi bệnh mà không có các con ở nhà nên gọi điện thoại nhờ hàng xóm đưa vào bệnh viện và họ vẫn rất sẵn lòng. Vợ chồng tôi tuy lớn tuổi nhưng không muốn con, cháu nặng lo. Vì vậy, tôi tiết kiệm một khoản tiền để dành dưỡng già cho 2 vợ chồng”.
Bà Sanh và bà Hường sống nhờ tình thương và sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và những mạnh thường quân. Đó cũng là niềm hạnh phúc của 2 người già có hoàn cảnh khó khăn
Còn bà Nguyễn Thị Sanh, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa vì không có con, cháu nên sống cùng người em gái trong ngôi nhà cũ xập xệ. Ngoài 90 tuổi, không còn khả năng lao động, 2 chị em bà Sanh chỉ quanh quẩn lo chuyện bếp núc.
Tuổi già của 2 bà sống nhờ tình thương, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể địa phương và bà con lối xóm. Thương hoàn cảnh ấy, bà con thường tới lui đỡ đần, mang cho lon gạo, mớ rau, vài con cá. Đó cũng là niềm vui tuổi già của 2 bà khi bên cạnh còn có sự quan tâm, chia sẻ từ những tấm lòng nhân ái trong xã hội.
Tuổi trẻ đi qua, tuổi già đến nhưng nỗi niềm vẫn mang nặng trong lòng. Những người già lúc nào cũng nghĩ về con, cháu với tình thương vô bờ bến. Con, cháu dù ở nơi xa, chỉ cần sống vui, hạnh phúc là người già lại thấy vui./.
T.Hương-H.Hương