Tiếng Việt | English

09/12/2023 - 19:35

Nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, nông dân huyện Đức Huệ, tỉnh Long An tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Sản lượng chanh năm 2023 của huyện Đức Huệ ước đạt 42.000 tấn

Sản lượng chanh năm 2023 của huyện Đức Huệ ước đạt 42.000 tấn

Bên cạnh lúa là cây trồng chủ lực, nhiều loại cây trồng khác cũng được nông dân trên địa bàn huyện quan tâm nghiên cứu, trồng thử nghiệm, dần hình thành các mô hình cho hiệu quả khả quan. Điển hình như cây rau má đang phát triển với diện tích trên 100ha, tập trung chủ yếu tại xã Bình Hòa Nam và Bình Hòa Hưng, với sản lượng khoảng 60 tấn/ha/năm, giá bán bình quân 18.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn cây lúa từ 5-7 lần/ha/năm. Một số mô hình cây ăn quả mới như sầu riêng, vú sữa hoàng kim, sapoche hiện ở giai đoạn đầu cho thu hoạch.

Song song đó, chăn nuôi cũng được đa dạng hóa, đơn cử như mô hình Nuôi ếch trong bể, tận dụng được diện tích đất trống quanh nhà để xây bể nuôi, mức đầu tư khoảng 50 triệu đồng/100m2, năng suất bình quân 2 tấn ếch thương phẩm/lần thu hoạch/3 tháng, lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng. Mô hình này đang được nhiều người dân học hỏi nhân rộng. Đến nay, tổng diện tích bể nuôi trên địa bàn huyện đạt trên 3ha.

Hay mô hình nuôi cá (trê vàng, sặt rằn, rô đầu nhím,...) của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây, có tổng diện tích sản xuất 6ha. Mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, cho lợi nhuận khoảng 3,5 triệu đồng/tấn cá thương phẩm (năng suất đạt khoảng 5-7 tấn/1.000m2), khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ, hiện nay, mặc dù nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên nhiều diện tích nhưng còn mang tính tự phát, chưa bền vững do ảnh hưởng nhiều vào yếu tố giá cả thị trường, nhất là các cây trồng ngắn ngày như bắp, khoai từ.

Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất kết hợp với tập huấn, chuyển giao; chú trọng đẩy mạnh liên kết, tìm kiếm mở rộng thị trường cho nông sản; triển khai các chính sách hỗ trợ giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay./.

Lê Đức - Như Huỳnh

Chia sẻ bài viết