Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 08:11

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Bước đi phù hợp

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu của đề án là xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chọn cây, con chủ lực

Đề án ứng dụng CNC của tỉnh chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ở các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch).

Đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm: 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng CNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.


Sản xuất rau an toàn ổn định đầu ra

Đối với cây lúa, năm 2016, tỉnh xây dựng 3 mô hình, mỗi mô hình 50ha, cụ thể: Hợp tác xã (HTX) Gò Gòn ở xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng (liên kết với Công ty AgroViet); HTX Tiên Tiến ở xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (liên kết Công ty Vĩnh Thịnh Phát); Tổ hợp tác Tân Tây ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa (liên kết Công ty Tân Đồng Tiến).

Theo Giám đốc HTX Gò Gòn - Trương Hữu Trí: “Vụ Đông Xuân 2016-2017, HTX sản xuất lúa mô hình ứng dụng CNC 50ha. Việc sản xuất lúa ứng dụng CNC giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống (lúa sản xuất bình thường khoảng 120kg/ha, còn lúa sản xuất theo mô hình ứng dụng CNC chỉ mất khoảng 70kg/ha và dùng máy để cấy mạ), giá thành sản phẩm cao hơn, chi phí nhân công ít nên nông dân thu được nhiều lợi nhuận hơn. Bên cạnh đó, sự liên kết “4 nhà” được phát huy, nông dân được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí sản xuất, đầu ra sản phẩm ổn định nhờ chất lượng cũng như liên kết với doanh nghiệp (DN) thu mua. Thời gian tới, HTX tiếp tục thực hiện ứng dụng CNC trên diện tích rộng”.

Bên cạnh cây lúa, đề tài nghiên cứu tổng hợp phát triển cây thanh long của tỉnh sẽ được triển khai năm 2017 để nghiên cứu chọn lọc bộ giống riêng, quy trình canh tác hợp lý và thị trường tiêu thụ cho trái thanh long. Đề tài này tập trung vào 3 nội dung công việc chính là xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho cây thanh long, hỗ trợ HTX, DN xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn và công tác xúc tiến thương mại. Đồng thời, đến năm 2020, mỗi năm có 7-8 HTX, DN, cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Thanh long đạt chuẩn VietGAP

Về cây rau, vùng sản xuất rau của tỉnh có diện tích canh tác khoảng 2.000ha. Trong sản xuất, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như trồng rau trong nhà lưới, sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, thuốc sinh học, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm tưới thông minh,... mang lại hiệu quả cao cho người dân trồng rau.

Cụ thể, trong năm 2016 thực hiện 5 mô hình điểm trình diễn sử dụng phân hữu cơ (200m2/mô hình): Huyện Cần Giuộc (2), huyện Cần Đước (2), huyện Đức Hòa (1). Kế hoạch năm 2017, tỉnh tiếp tục thực hiện 10 mô hình điểm (2.000m2/mô hình), hỗ trợ chi phí tổ hợp tác, HTX, DN có vùng sản xuất đạt chứng nhận GAP, rau xác nhận an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài các cây trồng chủ lực thì bò thịt theo kế hoạch được xây dựng vùng chăn nuôi tập trung tại 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Mục tiêu trọng điểm: Tăng tổng đàn bò thịt trên toàn vùng nuôi, tăng quy mô nuôi trên đơn vị trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX, nâng cao chất lượng đàn bò thịt nuôi thâm canh và đàn bò sinh sản hướng thịt; hình thành và kiện toàn chuỗi giá trị ngành hàng bò thịt; xúc tiến thương mại kết nối chuỗi giá trị sản phẩm thịt bò từ vùng chăn nuôi bò thịt tập trung.

Hỗ trợ doanh nghiệp ổn định đầu ra

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Việc thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNC trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Thời gian tới, ngành xem xét hỗ trợ từ 10-15 DN được cải tiến quy trình công nghệ, chuyển giao, ứng dụng CNC trong nông nghiệp; hỗ trợ 50 DN nông nghiệp trong lĩnh vực sơ chế, giết mổ, bảo quản, chế biến xây dựng hệ thống quản lý chất lượng HACCP; hỗ trợ 25-35 DN nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu (chủ yếu cánh đồng lớn) áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP, VietGAP,...). Trong giai đoạn 2017-2020, ngành tiếp tục thực hiện khảo sát, lựa chọn DN nông nghiệp ứng dụng CNC; triển khai xây dựng, hướng dẫn DN hồ sơ, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC; hỗ trợ các DN rà soát lại các tiêu chí đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng CNC”.


Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các ngành liên quan có kế hoạch cụ thể huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện chương trình đột phá này, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).

Ông mong rằng, thời gian tới, các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất: Ứng dụng khoa học và công nghệ, về huy động nguồn lực đầu tư, phối hợp liên vùng, cơ chế, chính sách,...; đồng thời, đề xuất các giải pháp mô hình, dự án đầu tư cụ thể để thực hiện chương trình, giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC cho nông dân, vấn đề liên kết sản xuất,..../.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết