Tiếng Việt | English

12/10/2016 - 14:52

Tăng diện tích rau trồng theo hướng công nghệ cao

Theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2020, có 2.000ha rau màu tập trung tại 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An, trong đó, Cần Giuộc được quy hoạch 950ha. Huyện đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện.


Đoàn tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng

Nền tảng thuận lợi

Hiện nay, toàn huyện có trên 1.800ha chuyên canh rau, năng suất đạt từ 20-22 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 125.000 tấn/năm, nhiều nhất là rau ăn lá (65%), rau gia vị (25%), còn lại là rau ăn quả. Ngoài ra, hàng năm, huyện có khoảng 120ha dưa hấu không hạt, dưa gang với sản lượng khoảng 3.000 tấn/vụ.

Toàn huyện có 22 tổ sản xuất rau an toàn (RAT) và 6 hợp tác xã (HTX), 1 Liên hiệp HTX sản xuất dịch vụ RAT có 739 nông dân tham gia. Đến nay, huyện có 341ha sản xuất RAT, 3 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP (Phước Hiệp, Phước Thịnh, Tân Vạn Hưng), hầu hết đều được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT.

Việc hình thành và phát triển những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất an toàn trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, tập trung tại các xã: Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc, Long Thượng, Trường Bình và Thuận Thành. Ông Đặng Tiết Giao, ngụ xã Phước Hậu là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, cũng là người sớm áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt.

Ông chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,8ha đất, ban đầu trồng lúa nhưng thu nhập không bao nhiêu, sau đó, tôi chuyển sang trồng rau màu với 1,2ha (chủ yếu là rau thơm các loại). Hiện, tôi có 5.000m2 RAT đạt chứng nhận VietGAP. Khi biết đến việc sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, tôi rất đồng tình. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện được chủ trương này sẽ giúp ích rất nhiều cho nông dân, rau ở Cần Giuộc sẽ cạnh tranh được trên thị trường, không bị thương lái ép giá, lợi nhuận đem lại cao rất nhiều lần”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn khẳng định, rau thực phẩm là cây trồng chủ lực ở vùng thượng của huyện. Đây là một trong những thuận lợi để huyện thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, huyện hình thành các vùng chuyên canh, nhưng tổ chức sản xuất còn manh mún (1 hộ bình quân 0,18ha), quy mô hộ nhỏ, lẻ, phân tán. Việc tham gia của các doanh nghiệp, các trang trại còn rất hạn chế. Trước những thực trạng đó, việc quy hoạch sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn cho rằng, bước đầu thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do phải thay đổi nhận thức của nông dân, chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ cao không phải ít và không phải nông dân nào cũng có khả năng thực hiện.


Cần Giuộc đang tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng quy hoạch sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao

Những "bước đi" đầu tiên

Hiện nay, Cần Giuộc đang trong những “bước đi” đầu tiên trong thực hiện đề án. Trước tiên, huyện vận động người dân xây dựng các nhà màng, nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; cơ quan chức năng hướng dẫn nông dân trồng theo phương pháp thủy canh và sử dụng phân hữu cơ,... Đến nay, toàn huyện xây dựng được 20 nhà lưới trồng rau ăn lá và rau gia vị ở các xã vùng thượng, nhiều nhất là Phước Hậu.

Ông Nguyễn Văn An, ngụ xã Thuận Thành là hộ đang thí điểm trồng rau thủy canh trong nhà màng với diện tích 400m2, kinh phí ban đầu 400 triệu đồng. Loại rau ông trồng chủ yếu là rau ăn lá, hiện chưa thu hoạch. Không chỉ có ông An, ở Cần Giuộc có thêm một hộ ở Long Hậu trồng rau mầm trong nhà lưới và hộ bà Nghiêm Thị Huệ đang xây dựng nhà lưới để trồng rau ở xã Phước Vĩnh Tây.

Huyện huy động nguồn nhân lực đầu tư trong lĩnh vực này, hiện có nhà máy RAT do Công ty TNHH MTV Rrfarn Green Farm của Nhật Bản đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu, chuyên sản xuất RAT bằng phương pháp thủy canh, hoạt động từ tháng 7-2015. Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nông nghiệp Cần Giuộc đang xây dựng “Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” tại 3 xã: Phước Lâm, Thuận Thành và Trường Bình với diện tích 240ha và được UBND tỉnh chấp thuận.

Để xúc tiến xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, huyện tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại Tiền Giang và Lâm Đồng. Qua đó, giúp lãnh đạo cũng như đại diện HTX, các hộ nông dân hiểu thêm về cách thức quản lý, phương pháp sản xuất, công tác tổ chức, đầu tư kỹ thuật,... để huyện có thể chuẩn bị, hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng rau ứng dụng công nghệ cao.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 4-3-2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đang tích cực triển khai. Tháng 9 vừa qua, Cần Giuộc phối hợp các sở, ngành tỉnh tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh. Trong 13 hợp đồng được ký kết toàn tỉnh, có 7 đơn vị nhận ký kết, tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao của Cần Giuộc vào những siêu thị lớn. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện, các ngành chức năng củng cố lại các HTX, phát huy tối đa tổ liên kết các hộ nông dân, cùng sản xuất những sản phẩm có chất lượng, truy xét nguồn gốc, chú trọng vấn đề an toàn để mọi người tin tưởng, tiêu thụ.

Trước mắt, huyện sẽ xây dựng nghị quyết chuyên đề về RAT theo chỉ tiêu tỉnh giao để quán triệt trong toàn Đảng bộ, nhân dân cùng thực hiện. Hiện nay, huyện tập trung phát động nhân dân, liên kết nông dân tổ chức sản xuất RAT, rau có thương hiệu để cung cấp cho thị trường như đã ký kết với TP.HCM. Mặt khác, huyện chủ trương nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng để tích nước ngọt trong mùa mưa, phục vụ người dân sản xuất rau./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích