Lợi nhuận tăng
Hợp tác xã (HTX) Hưng Phú (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) thành lập tháng 6/2015 với mục đích liên kết nông dân sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn. Sản phẩm chính của HTX là lúa giống, lúa thương phẩm. Sau thành công với mô hình sản xuất lúa thương phẩm, Giám đốc HTX Hưng Phú - Lưu Văn Hoài ấp ủ ý tưởng sản xuất lúa hữu cơ và quyết tâm “rủ” các thành viên khác cùng làm. Đến nay, HTX Hưng Phú có 50ha lúa hữu cơ với 16 hộ nông dân tham gia.
Ông Phạm Văn Bé Một - thành viên HTX Hưng Phú, cho biết: “Gia đình tôi có 4ha lúa, trong đó có 1,7ha lúa hữu cơ. Được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, 50ha lúa hữu cơ của HTX nằm liền kề, chỉ sử dụng sản phẩm sinh học trong quá trình sản xuất từ phân bón cho đến thuốc diệt côn trùng”.
Gạo hữu cơ của Hợp tác xã Hưng Phú
Theo ông Lưu Văn Hoài, sản xuất lúa hữu cơ không khó, nhưng tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào không cao nhưng năng suất chỉ đạt 60% so với sản xuất lúa thường, từ 3-3,8 tấn/ha. Bù lại, giá trị hạt gạo tăng gấp đôi. Trung bình 1kg gạo hữu cơ có giá từ 30.000-40.000 đồng. Bình quân 1ha sản xuất lúa hữu cơ, thành viên HTX có lãi 17 triệu đồng/vụ. Với kết quả khá khả quan như hiện nay, HTX đang có kế hoạch tăng diện tích đất sản xuất lúa hữu cơ.
Mấy năm nay, Công ty TNHH Gạo an toàn Minh Tâm kết nối với HTX Phước Chỉ (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) sản xuất lúa, gạo theo hình thức hữu cơ. Giám đốc Công ty TNHH Gạo an toàn Minh Tâm - Phạm Thị Khâu cho biết: Xã viên HTX tham gia canh tác lúa hữu cơ, công ty sẽ thu mua với giá cả ổn định. Sau đó, công ty tiến hành xay xát, đóng gói, gắn nhãn mác và tiêu thụ ở tỉnh, TP.HCM, Lâm Đồng,…Do đó, xã viên HTX hoàn toàn an tâm, tập trung sản xuất.
Bà Khâu cho biết thêm, sản phẩm gạo hữu cơ ngoài việc góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng thì sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ giúp cải thiện, nuôi dưỡng chất lượng đất và bảo vệ môi trường sống an toàn cho người dân nông thôn.
Khó đầu ra
Ông Lưu Văn Hoài cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ tại HTX hiện có lãi do nhận được chính sách hỗ trợ từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Gạo được bán cho người thân quen tại tỉnh và TP.HCM. Tuy nhiên, do sản phẩm còn mới, không đủ kinh phí để quảng bá sản phẩm nên thị trường tiêu thụ chưa ổn định, thậm chí phải cạnh tranh với “hàng chợ”.
Cụ thể, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần III tổ chức tại Long An từ ngày 18 đến 24/12/2018, ngoài việc trưng bày, quảng bá, HTX Hưng Phú còn tổ chức nấu cơm và mời khách dùng thử. Sau khi dùng cơm, đa số khách phản hồi cơm dẻo, thơm, có hậu ngọt nhưng rất ít khách hàng mua, bởi họ còn so sánh về giá với các loại gạo thông thường.
Thời gian trước đây, Co.opMart Tân An cung cấp nhiều loại nông sản hữu cơ như gạo, rau, củ, quả,… nhưng rất ít khách hàng quan tâm, mua dùng. Theo Giám đốc Co.opMart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh, người tiêu dùng còn có sự so sánh về giá giữa nông sản hữu cơ và nông sản thông thường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho rằng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ hay nông sản “sạch” còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bởi quy trình sản xuất khắt khe, thị trường chưa ổn định. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ cũng là nguyên nhân chưa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển. Từ đó, dẫn đến người sản xuất ra sản phẩm hữu cơ gặp nhiều khó khăn ở đầu ra do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng. Để tháo gỡ khó khăn này, ngành nông nghiệp đang thực hiện xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn để giúp các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm an toàn được tiêu thụ theo hướng liên kết, ổn định đầu ra sản phẩm./.
Thanh Tùng