Hồ Ngọc Trinh là một trong số ít nghệ sĩ trẻ tuổi được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ nhân dân
Vốn có giọng ca “trời phú”, từ năm 14 tuổi, NSND Hồ Ngọc Trinh “bén duyên” cùng ca hát khi cộng tác với Trung tâm Văn hóa huyện Mộc Hóa lúc bấy giờ. Để giúp đỡ gia đình, chị vừa đi học, vừa đi hát kiếm tiền. Thấy cháu gái có chất giọng hay, chú chị vốn là tài tử đờn khuyên chị nên thử “lấn sân” sang cải lương. Chú là người thầy đầu tiên hướng dẫn chị về hơi, nhịp khi ca. Từ những kiến thức vỡ lòng ấy, chị tiếp tục mày mò tự học để dần hình thành nên “cái chất” của riêng mình.
Năm 2001, theo lời động viên của chú, chị tham gia cuộc thi Tiếng hát truyền hình do Đài Phát thanh và Truyền hình Long An tổ chức, đoạt giải cao nhất và lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An thời điểm đó.
Điều khiến cho khán giả khắp nơi nhớ đến Hồ Ngọc Trinh ngoài nét đẹp dịu dàng, giọng ca ngọt ngào chính là khả năng hóa thân vào nhân vật. Dù rất hợp các vai đào thương nhưng với vai diễn khác chị đều “cân” tốt, từ thái hậu Dương Vân Nga uy quyền và giằng xé nội tâm đến cuộc đời nữ anh hùng cách mạng Nguyễn Thị Một lúc thiếu thời đến khi về già,... Bằng cách khai thác nội tâm và tính cách nhân vật, chị tạo nên nét riêng không lẫn vào đâu được.
Và dù đã thành danh, trở thành NS nổi tiếng, có nhiều cơ hội, chị vẫn quyết định gắn bó cùng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, từng ngày nâng đỡ, hỗ trợ NS “đàn em” trên hành trình gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa tặng hoa chúc mừng các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú vừa được phong tặng
Phóng viên (PV): Là NSND, có hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, xin chị chia sẻ cùng độc giả về tình yêu đối với nghệ thuật cải lương?
NSND Hồ Ngọc Trinh: Đối với tôi, đến với cải lương là một bước ngoặt quan trọng và hiện tại, cải lương là một phần không thể thiếu của Hồ Ngọc Trinh. May mắn lớn nhất của tôi trên hành trình này chính là được Tổ nghề thương cho tôi được gặp gỡ, trở thành học trò của những người thầy đầy tâm huyết với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Tôi vẫn nhớ như in những chỉ dạy tận tình của NSƯT Hữu Lộc ngày đầu tôi vào làm việc tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Sau này, tôi lại được làm học trò của Tiến sĩ, NSND Bạch Tuyết và NSND Viễn Châu. Đó là may mắn to lớn trong quá trình làm nghề của tôi.
Nhờ được tiếp cận, trở thành học trò và làm việc chung nhiều “cây đa, cây đề” trong nghề, tôi học được nhiều kinh nghiệm, có thêm động lực phấn đấu, rèn giũa bản thân để có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương.
PV: NSND là danh hiệu cao quý, khẳng định quá trình phấn đấu bền bỉ, nỗ lực làm nghề của NS. Chị có thể chia sẻ một chút về điều này?
NSND Hồ Ngọc Trinh: Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng đều cần sự nỗ lực mới gặt hái được thành công. Con đường nghệ thuật của tôi cũng vậy, hầu như chưa bao giờ bằng phẳng. Dù có cơ hội được học với những người thầy giỏi nhưng thời gian học tập, trao đổi với các thầy, cô thường không nhiều. Ở mỗi người thầy, tôi học hỏi một chút những điều hay và gom góp lại làm hành trang cho riêng mình.
Tôi luôn tự nhủ, được Tổ nghiệp thương nên phải hết lòng, hết sức. Trong suốt quá trình làm nghề, tôi chưa bao giờ dám ngừng việc học, vì điều đó dễ khiến mình bị khựng lại giữa nhịp sống luôn đổi mới và phát triển.
PV: Chị đã học như thế nào để phục vụ con đường nghệ thuật của mình?
NSND Hồ Ngọc Trinh: Từ khi mới bước chân vào Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, tôi vừa hoạt động, vừa tiếp tục học bổ túc văn hóa vào buổi tối. Tốt nghiệp THPT xong, nhiều đồng nghiệp khuyên tôi nên thi vào đại học ngành Đạo diễn vì “thấy em có khả năng”. Thời điểm đó, tôi còn e ngại lắm, không đủ tự tin vào bản thân.
Nhưng tôi nghĩ, học tập chính là con đường duy nhất để phát triển bản thân và tiếp tục đóng góp cho nghề nên chuẩn bị hành trang thi đại học. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, tôi có thêm động lực học lên Thạc sĩ Nghệ thuật và đang trong quá trình bảo vệ luận văn.
Tôi vừa học, vừa làm việc, cùng anh chị em NS trong Đoàn vừa làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, vừa tham gia các “đấu trường” khu vực và toàn quốc.
PV: Với vai trò Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, chị làm gì để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Đoàn?
NSND Hồ Ngọc Trinh: Tôi nhận vai trò Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An năm 2016. Năm 2018, Đoàn sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, tôi là Phó Giám đốc Trung tâm, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương. Việc sáp nhập vào Trung tâm khiến cho hoạt động bước đầu của Đoàn Nghệ thuật Cải lương ít nhiều bị hạn chế. Tôi thường xuyên động viên anh chị em NS nỗ lực, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình, khó khăn cũng dần đi qua.
Năm 2021, được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An chính thức trở lại hoạt động độc lập, từ đó, anh chị em NS có điều kiện thuận lợi, phù hợp để phát triển bản thân, yên tâm cống hiến.
Các vở diễn mới do Đoàn dàn dựng đều đoạt huy chương vàng, giải đặc biệt trong các liên hoan cải lương toàn quốc. Mới đây, Bên dòng Long Khốt - vở diễn mới và vai chính đều do các NS trẻ đảm nhận, được nhận giải Đào Tấn. Chúng tôi còn cùng nhau dựng vở Truyền tích Nàng Thơm, kết hợp giữa cải lương và xiếc để tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm.
Tôi nghĩ, để giữ được tình yêu thương của khán giả thì cải lương cũng phải không ngừng phát triển, làm mới mình, phù hợp với xu thế và thị hiếu của người xem. Từ “cải lương” vốn có nghĩa là sửa đổi để trở nên tốt hơn mà!
PV: Chị có lời khuyên nào dành cho các NS trẻ?
NSND Hồ Ngọc Trinh: Trong xu thế hiện nay, các NS trẻ vừa có nhiều cơ hội, cũng gặp không ít khó khăn. Tôi chỉ hy vọng các em cứ hết mình với nghề bằng cái tâm trong sáng. Rồi sự cố gắng đó sẽ được Tổ nghiệp thương. Mỗi ngày một chút, các em sẽ nhận ra bản thân mình tiến bộ hơn nhiều./.
Một số thành tích của NSND Hồ Ngọc Trinh trong quá trình hoạt động nghệ thuật:
- 16 bằng khen của UBND tỉnh từ năm 2006-2023;
- Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2020;
- 2 bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2020, 2022;
- 4 Huy chương Vàng diễn viên tại Liên hoan Cải lương toàn quốc;
- 1 Huy chương Vàng đạo diễn Liên hoan Cải lương toàn quốc;
- 1 Huy chương Bạc Liên hoan sân khấu Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân;
- 2 bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam;
- Chuông bạc - Ngôi sao vọng cổ truyền hình năm 2006;
- Huy chương Vàng Triển vọng Trần Hữu Trang 2007.
|
Thu Lam (thực hiện)