Nghệ sĩ nhân dân Thoại Miêu
Tuổi thơ mê hát xướng
Quê gốc của NSND Thoại Miêu ở Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng sinh ra (năm 1953) và lớn lên ở Sài Gòn. Tên thật của NSND Thoại Miêu là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, mọi người thường gọi là Ngọc Hoa. Trong gia đình có đến 12 anh chị em (5 nam, 7 nữ) nhưng chỉ có chị (thứ năm) và em gái út là Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thoại Mỹ theo cải lương. Từ nhỏ, Ngọc Hoa mê cải lương nhưng gia cảnh còn cơ cực nên không có điều kiện đi xem hát. Khi đó, gia đình của bà nội nuôi khá giả nên Ngọc Hoa xin cha mẹ sang sống với bà nội nuôi.
Nữ NS vừa đi học, vừa phụ việc nhà cho bà nội để tối thứ bảy được nội dẫn đến rạp xem cải lương. Được xem những suất hát ở gánh Dạ Lý Hương, Thanh Minh - Thanh Nga, Ngọc Hoa thần tượng NS Thanh Nga và Mỹ Châu. Về nhà, Ngọc Hoa thường hát nghêu ngao. Sẵn mê cải lương nên khi nghe Ngọc Hoa hát, bà nội nuôi nhận ra giọng ca của chị có triển vọng. Bà nội nuôi dẫn Ngọc Hoa đến gởi thầy đờn Mười Phú để học ca tài tử, cải lương suốt gần 3 năm. Trong thời gian này, Ngọc Hoa được thực tập bằng cách theo thầy Mười Phú đi hát ở quán NS hoặc ở các cuộc chơi đờn ca tài tử nên hơi, giọng, nhịp nhàng nhờ đó mà vững vàng.
Năm 1969, Ngọc Hoa được đặc cách trúng tuyển Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, khoa Diễn viên cải lương. Ngọc Hoa học cùng khóa với Đỗ Quyên và Tài Lương (chị của NS Tài Linh và Chí Linh) và khóa này chỉ có 3 học viên. Cả 3 được các bậc thầy cải lương tài danh như NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Phùng Há, NS Duy Lân, NS Kim Cúc, NS Bích Thuận, NS Mai Thành truyền dạy nên sau này, cả 3 NS đều thành danh. Cuối năm 1971, khi tốt nghiệp ra trường, Ngọc Hoa đã vững vàng ca diễn.
Trong thời gian học ở trường, Ngọc Hoa được Ban ca kịch của NS Chín Sớm và của NS Duy Chức mời cộng tác ca trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Chị nhớ thời ấy, chị cùng Ngọc Đan Thanh (đang sống ở nước ngoài) và NS Tú Trinh, Mai Thành nổi đình nổi đám trên Đài Phát thanh Sài Gòn với vở cải lương truyền thanh Trần Minh khố chuối của soạn giả Duy Lân.
Bên cạnh đó, thầy Năm Châu lập ra nhóm Nữ Ban cho học viên của trường thực tập nghề. Ngọc Hoa cũng nổi đình nổi đám với bộ ba trong vở Trường hận: Ngọc Hoa vai Dương Quý Phi, Đỗ Quyên vai An Lộc Sơn và Tài Lương vai Đường Minh Hoàng. Khi bộ ba chính thức ra trường, Đỗ Quyên và Tài Lương được bầu gánh nhận đi hát; còn Ngọc Hoa cũng có bầu gánh mời nhưng không được đi hát... Bởi lẽ, bà nội nuôi của Ngọc Hoa tuy mê cải lương nhưng lại cho cải lương là “xướng ca vô loài”. Lúc đó, Ngọc Hoa buồn bã, thường khóc thầm vì mộng ước không thành.
Thắng quan niệm cũ, có nghệ danh mới
Những ngày đầu sau năm 1975, Sài Gòn từng bước ổn định trật tự xã hội. Các đơn vị nghệ thuật được củng cố và sắp xếp lại để hoạt động. Nhận được thông tin này từ bạn bè, Ngọc Hoa liền đăng ký đi hát. Chị nói dối với bà nội nuôi: “Nếu biết nghề mà không đi hát để phục vụ nhân dân thì sẽ bị cách mạng phê bình, khiển trách...”. Nghe vậy, bà hối thúc Ngọc Hoa: “Thôi, lo sửa soạn đồ đạc xin đi hát đi con”. Ngọc Hoa mừng như mở hội.
Sau đó, Ngọc Hoa được cấp trên quyết định đưa về làm diễn viên dự bị Đoàn Cải lương Sài Gòn II. Lúc đó, lực lượng diễn viên của Đoàn rất hùng hậu với Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Diệp Lang, Giang Châu, Ngọc Bích, Mỹ Châu, Tuấn Thanh,... Về đoàn 4 tháng mà Ngọc Hoa, Đỗ Quyên vẫn chưa có vai diễn, hàng đêm chỉ ngồi bên cánh gà xem đàn anh, đàn chị diễn. Cuối năm 1975, Đoàn Văn công Giải phóng (TP.HCM) ra đời. Giai đoạn đầu ở Đoàn, Ngọc Hoa được hát đào ba - vai sinh viên trong vở Bạo chúa của soạn giả Lê Duy Hạnh. Đây là dấu mốc trong cuộc đời đi hát của NSND Thoại Miêu.
Khi nhận vai đào ba trong vở Bạo chúa, NS Ngọc Hoa (ngoài Bắc về, vợ NSƯT Thanh Hùng) hát đào chánh vai Yến Ly. Trong cùng Đoàn hát không thể có 2 NS cùng nghệ danh nên Ngọc Hoa chạy về gặp thầy Năm Châu xin đổi cho nghệ danh khác. NSND Năm Châu tra sách Hán - Việt và đặt nghệ danh mới cho Ngọc Hoa là Thoại Miêu. Thầy Năm Châu giải thích rằng, Miêu có nghĩa là mèo, Thoại nghĩa là thơm; con mèo thơm là nghĩa hàm ẩn của một mỹ danh. Và từ đó, chị lấy nghệ danh Thoại Miêu cho đến bây giờ.
Tuyết Mai - vai diễn ấn tượng đầu đời
Sau vở Bạo chúa là vở Cây sầu riêng trổ bông của soạn giả Hoài Linh rất ăn khách thời đó, được lưu diễn từ Nam chí Bắc. Vở này, NSND Lệ Thủy hát đào chánh, NS Hương Lan hát đào nhì, vai Tuyết Mai. NS Hương Lan hát được khoảng 1 năm thì xin nghỉ để dưỡng thai. Ban lãnh đạo đưa một cô đào thương thay Hương Lan nhưng hát ngay suất đầu không thành công. Sau đó, NS Hữu Phước đề nghị cho Thoại Miêu thay vai này.
Tuyết Mai trong Cây sầu riêng trổ bông là cô gái giang hồ được thiên phú một nhan sắc mặn mà, trở thành vợ bé của Thiếu tá Hổ (ngụy) và thật sự dừng bước giang hồ. Sau đó, Thiếu tá Hổ gả Tuyết Mai cho một sĩ quan Mỹ. Tuyết Mai thất vọng, trốn bỏ cuộc sống đô thành. Vừa lúc đó, Tuyết Mai lại gặp bạn cũ là Út Mận - cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở nội thành. Tuyết Mai được giác ngộ cách mạng và kéo cả người yêu là Thiếu úy Hải (ngụy) cùng theo cách mạng. Cuộc đời một phụ nữ gian truân, chìm nổi và nhiều nỗi niềm trắc ẩn khi thể hiện trên sân khấu thật không đơn giản. Thoại Miêu đã cố gắng lột tả tính cách lả lơi của một cô gái giang hồ và tâm trạng của cô gái luôn ước mơ có một hạnh phúc bình thường. Thoại Miêu lột tả được một Tuyết Mai đáng thương hơn đáng trách nên đã chạm đến thành công của vai diễn.
Sau vai Tuyết Mai, chị tiếp tục vào vai Ngọc Hà, cũng vai đào nhì trong Tâm sự Ngọc Hân của soạn giả Lê Duy Hạnh. Lúc này, NSND Lệ Thủy rời Đoàn Văn công Giải phóng (TP.HCM), NS Hữu Phước và Hương Lan sang Pháp định cư, NSƯT Mỹ Châu và NS Tuấn Thanh về hát chánh. Ngọc Hà là công chúa, em gái của Ngọc Hân, có tính cách không phức tạp nhưng trạng thái tâm lý nhiều chiều đa dạng nên khi diễn sẽ “nặng ký” về thể hiện nội tâm và những trạng thái biểu đạt. NSND Thoại Miêu cho biết: “Khi nhận vai này, tôi rất suy tư, tìm cách thể hiện để không trùng lắp với vai trước về thủ pháp miêu tả nhân vật. Những lúc gào thét, khóc than cũng khai thác tối đa cái riêng của nhân vật để không sáo mòn”.
Sau thành công vang dội của 2 vai đào nhì: Tuyết Mai và Ngọc Hà, vai đào nhì thứ ba của NSND Thoại Miêu ghi thêm một dấu ấn với công chúng là Thiên Hương trong Muôn dặm vì chồng của nhà văn - soạn giả Ngọc Linh. Đến vai đào nhì thứ tư cũng thành công và được khán giả mến mộ, đó là vai Hồng Anh trong Nàng Hai Bến Nghé của nhà văn - soạn giả Ngọc Linh.
Hồng trong vở Dốc sương mù của soạn giả Lê Duy Hạnh là vai đào nhì thứ năm của NSND Thoại Miêu, đoạt Huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc - 1985.
Những vai chánh và mụ mùi
Sau chuyến biểu diễn ở Pháp trở về, NSND Thoại Miêu thành hôn với NS Quốc Hùng (nay là Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang), năm sau sinh bé Gia Bảo (nay là diễn viên hài). Sau khi sinh bé Gia Bảo được 3 tháng, NSND Thoại Miêu trở lại sàn diễn của Đoàn Văn công Giải phóng (TP.HCM), đem theo con nhỏ (giữa năm 1990) trong lúc Đoàn lưu diễn ở miền Trung.
Lúc đó, NSND Lệ Thủy không lưu diễn, thấy hoàn cảnh của NSND Thoại Miêu nên khuyên để bé Gia Bảo ở nhà, thỉnh thoảng Lệ Thủy tới lui phụ trông coi. Khi đó, NSND Thoại Miêu nhận vai đào chánh đầu tiên, lại là vai quan trọng trong vở dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc - 1990. Đó là vai cô giáo Hương trong vở Thị trấn đêm giông của tác giả Lê Duy Hạnh. Thoại Miêu đóng chánh với NSƯT Minh Phụng. Vai Hương là một bước chuyển “sang trang” của Thoại Miêu. Tâm lý nhân vật không quá phức tạp nhưng trạng thái luôn biến đổi ở từng tình huống kịch. NSND Thoại Miêu đã thành công và đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn năm đó.
Sau đó, Thoại Miêu đóng một số vai chánh khác cùng NSƯT Minh Phụng. Đó là loại vai của những vở hương xa, kiếm hiệp như Phùng Cẩm Loan trong Mùa thu trên Bạch Mã sơn, Hạ Cơ trong Xin một lần yêu nhau,... Năm 1995, chị có thêm một vai chánh tạo dấu ấn trong nghề là vai Diệu Ái trong Không là cát bụi của tác giả Hoàng Song Việt. Nhân vật Diệu Ái có đời sống và tâm lý khá phức tạp, một cuộc đời đầy bi kịch, lắm nỗi gian truân được Thoại Miêu hóa thân khá thuyết phục, đoạt Huy chuơng Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc - 1995.
Năm 1997, Đoàn Văn công sáp nhập về Nhà hát Trần Hữu Trang thành Đoàn I của nhà hát, cũng là một bước “sang trang” của NSND Thoại Miêu. Chị bước qua đào mụ, làm nền cho những cô đào trẻ hát chánh. Nhiều vai mụ mùi do NSND Thoại Miêu thủ diễn khá ấn tượng với khán giả. Trong số đó, những vai thành công là bà Năm trong Lối về của tác giả Tô Thiên Kiều, mẹ trong Trái tim người mẹ của tác giả Tô Thiên Kiều, bà Ngọc trong Rồng Phượng của tác giả Lê Duy Hạnh,...
NSND Thoại Miêu chia sẻ: “Từ vai đào thương chánh chuyển sang hát vai đào mụ là phải thay đổi phong cách ca, diễn, tách khỏi những gì trữ tình, mượt mà, trẻ trung của nhân vật và cả phong cách cá nhân của mình. Nghĩa là, hơi, giọng ca phải tiết chế âm trầm nhiều hơn là bổng, không thanh thoát nhưng sâu lắng hơn; khẩu ngữ trong hội thoại cũng trầm lắng, ngữ điệu chậm hơn;...”.
Đặc biệt, năm 2009, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Đoàn I dự Hội diễn vở Cổ tích thời đại của tác giả Lê Duy Hạnh, trong đó có vai bà Thủy là vai mụ lẳng, một vai rất xa lạ với chị với tính cách nhân vật chanh chua, thủ đoạn,... Đọc xong kịch bản, ban đầu, NSND Thoại Miêu từ chối không nhận vai vì nhân vật quá xa lạ đối với chị. Nhưng rồi lãnh đạo nhà hát và tác giả động viên, Thoại Miêu không thể từ chối và đã thành công khi đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn này với vai bà Thủy.
Ngoài cố vấn cho Đoàn I của Nhà hát Trần Hữu Trang, NSND Thoại Miêu còn tham gia quay hình, thu tiếng cho một số đài phát thanh và truyền hình, hãng phim,... Khi hỏi về ước mơ, NSND Thoại Miêu cười hồn nhiên: “Ước mơ là khỏe để tiếp tục đi hát, dù là thỉnh thoảng; nếu ngồi không thì nhớ nghề lắm, nhớ những kỷ niệm khó quên càng thấy yêu nghề và luôn muốn đi hát...”. Quả là “kiếp tằm chỉ trả nợ dâu”, với NSND Thoại Miêu, cuộc đời sân khấu vẫn là cuộc hành trình không đoạn kết./.
Đỗ Dũng