Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đồng thời bảo vệ trẻ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.
Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và lợi ích cho xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ là yếu tố quan trọng để bảo đảm sự phát triển và sức khỏe tốt nhất cho trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ hỗ trợ sự kết nối giữa mẹ và con, việc cho con bú thường xuyên tạo nên sự gắn kết này.
Phong trào nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức và lan rộng trên toàn thế giới bởi Liên minh thế giới về hành động nuôi con bằng sữa mẹ (WABA), WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). WABA được thành lập vào năm 1991 với mục tiêu tái thiết lập một nền văn hóa nuôi con bằng sữa mẹ trên toàn cầu và hỗ trợ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ ở mọi nơi. Năm 1992, WABA chính thức khởi động tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ. Sau đó, chiến dịch này được rất nhiều quốc gia tổ chức thường niên từ ngày 01 đến 07/8 nhằm khuyến khích, tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe của trẻ sơ sinh trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia, các bà mẹ nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng đầu cho đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc lâu hơn nữa, kết hợp với việc cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, an toàn. Bởi, đây là phương thức nuôi trẻ tốt nhất. Tuy nhiên, trong cuộc sống bận rộn ngày nay, việc duy trì cho con bú sữa mẹ có thể gây khó khăn cho nhiều bà mẹ bận rộn với công việc. Để duy trì được việc nuôi con bằng sữa mẹ liên tục, người mẹ cần nhận được hỗ trợ rất nhiều từ phía gia đình, các nhà lãnh đạo cộng đồng, nhân viên y tế, chuyên gia tư vấn về sữa mẹ, bạn bè và cả bạn đời của họ.
Trong quá trình cho trẻ bú, não bộ của mẹ sẽ sản sinh và làm tăng nồng độ hormone oxytocin, giúp cho việc co hồi tử cung (dạ con) nhanh chóng, nhờ đó giúp giảm chảy máu sau sinh. Việc cho trẻ bú mẹ còn giúp giảm nguy cơ thiếu máu ở mẹ, giảm nguy cơ ung thư vú, giảm nguy cơ ung thư buồng trứng cùng nhiều lợi ích khác.
Mặt khác, nghiên cứu khoa học cho thấy, trẻ bú mẹ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính về sau như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, hen suyễn,… Khi cơ thể mẹ tiếp xúc với bất kỳ mầm bệnh nào, tự cơ thể mẹ sẽ tạo ra kháng thể chuyên biệt chống lại mầm bệnh đó và kháng thể này sẽ được tiết vào sữa mẹ. Nên khi bé bú mẹ, bé sẽ nhận được kháng thể bảo vệ bé khỏi các nguy cơ mắc bệnh đầu đời khi hệ miễn dịch của bé vẫn còn non yếu. Nếu bé có mắc bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và nhanh hết hơn. Hơn nữa, trong sữa mẹ có kháng thể slgA, chất này tạo thành một lớp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ dị ứng, thúc đẩy phát triển trí não và vận động tốt hơn, giảm nguy cơ đột tử sơ sinh.
Thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, việc cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu hơn 2.000 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 2 tuổi vẫn còn thấp.
Tại Long An, năm 2023, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chỉ đạt 40,8%, bú mẹ đến 24 tháng tuổi chỉ 29,7%. Nguyên nhân là người mẹ chưa biết cách duy trì nguồn sữa khi đi làm, chưa được hỗ trợ thời gian và phòng vắt sữa tại nơi làm việc.
Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 được tổ chức từ ngày 01 đến 07/8 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương” nhằm đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp để không một bà mẹ nào bị bỏ lại phía sau, nhất là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Để đạt mục tiêu đề ra cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các gia đình hãy tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các bà mẹ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Tất cả chúng ta hãy cùng hành động vì tương lai thế hệ mai sau!/.
|
Sở Y tế tỉnh tổ chức Lễ phát động Hưởng ứng Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2024 .
|
Hoàng Trà