Tiếng Việt | English

13/11/2016 - 13:03

Phải làm sao khi em trai còn nhỏ nhưng lơ là việc học?

Em chào thầy! Em đang rất lo lắng cho em trai em đang là học sinh lớp 8. 7 năm qua, em trai em luôn là học sinh khá giỏi và rất ngoan ngoãn nhưng bắt đầu từ năm lớp 8 đến giờ, em trở nên hư hỏng, tập hút thuốc lá, tụ tập với bạn xấu. Em cố gắng phân tích, khuyên bảo nhưng em trai vẫn không thay đổi và ngày càng sa sút trong học tập.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Em từng có một gia đình hạnh phúc nhưng sau khi cha mẹ chia tay, mẹ dẫn em trai đi nơi khác lập nghiệp, em thì học đại học tại TP.HCM. 3 năm ra đi, mẹ quay về quê sống với ông bà ngoại, công việc làm ăn cũng khấm khá hơn. Vì việc học còn dang dở nên mẹ gửi em trai em lại cho người thân, dự định hết năm sẽ chuyển em trai về học ở quê hoặc ở TP.HCM. Từ ngày không có mẹ ở bên cạnh, em trai trở nên hư hỏng. Xin thầy cho em lời khuyên để giúp em trai em sớm nhận ra sai lầm và sửa đổi. 

Hoàng Cầm (Cần Đước)

Chào em!

Em trai em đang trong độ tuổi dậy thì. Tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn với những sự phát triển thay đổi về các mặt tâm - sinh lý. Một đặc điểm tâm lý phổ biến ở tuổi dậy thì là “muốn làm người lớn và tự coi mình là người lớn”. Có những em học theo cách suy nghĩ và hành động giống như người lớn, cũng có những em chọn cách thể hiện bản thân thông qua việc tập tành uống rượu, bia, hút thuốc lá,... Mục đích cuối cùng của việc này là muốn được người lớn quan tâm mà thôi.

Đối với em trai em cũng như vậy, bên cạnh sự thay đổi tâm - sinh lý thì hoàn cảnh gia đình không như mong muốn lại sống xa ba mẹ, người thân từ nhỏ cũng ảnh hưởng nhiều đến hành vi của em ấy. Tuy nhiên, em cũng cần phải tìm hiểu xem có nguyên nhân nào khác làm cho em trai em hút thuốc, uống rượu, bia hay không? Ví dụ như bị bạn bè rủ rê, học theo người lớn, buồn chán việc gì đó,... rồi tìm cách khuyên nhủ em ấy./.

PGS -TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)

Chia sẻ bài viết