Tiếng Việt | English

17/02/2021 - 18:35

Phản ứng của quốc tế sau vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự Myanmar

Hôm qua (16/2), quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.

Tuyên bố này đưa ra sau hàng loạt cuộc biểu tình phản đối của người dân và phản ứng của quốc tế sau vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự.  

Tại cuộc họp báo đầu tiên từ ngày 1/2 khi quyền lực nhà nước tại Myanmar được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing làm Chủ tịch, người phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước, Thiếu tướng Zaw Min Tun cho biết:

“Theo Hiến pháp năm 2008, quân đội sẽ chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng sau khi chúng tôi giải quyết các vấn đề gian lận bầu cử. Mục đích là để cuộc bầu cử tự do và công bằng dẫn đến dân chủ”.


Lực lượng quân đội Myanmar. Nguồn: AP

Bên cạnh đó, Tướng Zaw Min Tun cũng cho biết, quá trình khởi tố Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.

Dự kiến, các phiên xét xử đầu tiên đối với 2 nhà lãnh đạo dân sự Myanmar diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Theo đó, cả bà Aung San Suu Kyi và ông Win Myint đều bị cáo buộc vi phạm Điều 25 Luật quản lý thảm họa tự nhiên. Ban đầu, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc theo Luật Xuất nhập khẩu. Dự kiến phiên xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 1/3.

Đáng chú ý, những tuyên bố của phía quân đội được đưa ra sau hàng loạt cuộc biểu tình phản đối của người dân và Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo quân đội Myanmar có thể đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu sử dụng biện pháp mạnh để giải tán người biểu tình. Dù đã hai tuần trôi qua nhưng mỗi ngày hàng trăm ngàn người dân vẫn tham gia tuần hành, bất chấp quân đội nước này triển khai xe bọc thép và tăng cường binh lính ở một số thành phố lớn vào cuối tuần. Nhiều cuộc đình công xảy ra khiến hoạt động của chính quyền quân sự bị đình trệ.

Trước việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị cáo buộc thêm tội danh thứ hai là vi phạm Luật quản lý thảm họa quốc gia, sau tội danh thứ nhất là tàng trữ thiết bị điện tử phi pháp, Mỹ, Anh hôm qua đã đưa ra phản ứng.

Trao đổi với phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar thả ngay lập tức tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và chính trị, nhà báo, nhà hoạt động đang bị giam giữ không chính đáng cũng như khôi phục chính phủ dân cử".

Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày đăng trên Twitter rằng: "Anh sát cánh với người dân Myanmar và sẽ đảm bảo những người chịu trách nhiệm về cuộc chính biến này phải chịu trách nhiệm".

Những ngày trước đó, hàng loạt các nhà lãnh đạo đã có những phản ứng trước tình hình tại Myanmar. Đại sứ quán của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và 11 quốc gia khác tại Myanmar đã thể hiện sự ủng hộ đối với mong muốn "dân chủ, tự do, hòa bình, thịnh vượng" của người dân Myanmar, khẳng định thế giới đang theo dõi sát tình hình quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi quân đội Myanmar cho phép Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener tới nước này để đánh giá tình hình.

Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 1/2. Trước đó, quân đội Myanmar đã yêu cầu hoãn phiên họp đầu tiên của Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020, trong đó đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ giành đa số ghế ở cả hai viện Quốc hội. Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử này, song Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing hiện nắm quyền điều hành đất nước./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết