Tiếng Việt | English

29/04/2021 - 08:57

Phát huy hiệu quả sau 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Sau 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) giúp chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp (TP) trong tỉnh Long An được nâng lên rõ rệt; các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật, bộ máy cơ quan TP và các chế định bổ trợ TP. Đồng thời, thực hiện chiến lược CCTP giúp đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan TP từng bước trưởng thành, bản lĩnh, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu trong thực hiện mục tiêu CCTP.

Long An là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, góp phần phòng, chống tham nhũng

Long An là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, góp phần phòng, chống tham nhũng

Những kết quả nổi bật

Những năm qua, tỉnh có bước phát triển vượt bậc và từng bước khẳng định vị thế của tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, song song với sự phát triển KT-XH, tình hình an ninh, trật tự, tội phạm và các tranh chấp về dân sự, hôn nhân - gia đình, tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân cũng ngày càng gia tăng,… Chính từ đó, việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong chiến lược CCTP theo nội dung Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa góp phần xây dựng nền TP trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của Ban Nội chính Tỉnh ủy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49 về chiến lược CCTP, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết đến tất cả cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCTP. Từ đó, tập trung lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCTP đã được đề ra trong Nghị quyết với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như thực hiện cấp phát sách pháp luật; tổ chức tọa đàm, sinh hoạt “Ngày pháp luật”, “Tiết pháp luật”; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép vào các cuộc họp cơ quan, sinh hoạt của các chi, tổ hội của tổ chức đoàn thể; in tài liệu hỏi - đáp cấp phát cho địa phương làm tài liệu tuyên truyền,…

Theo thống kê, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền được 366.418 cuộc với trên 10 triệu lượt người tham dự; in, cấp phát 24.285 tờ gấp tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng và phát hành hơn 30.000 quyển sách luật mới ban hành. Đồng thời, Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp Báo Long An, Sở Tư pháp thực hiện chuyên trang thông tin, tuyên truyền về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và CCTP trên Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An; hỏi - đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng như tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống cụm loa phát thanh trong toàn tỉnh. Từ đó, góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Đặc biệt, 15 năm qua, các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự đã thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và kiện toàn, sắp xếp hoàn thiện tổ chức bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ 2 cấp của từng đơn vị. Qua công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan TP 2 cấp đã làm chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan này, tổ chức bộ máy mới, đạt hiệu quả tích cực, nâng cao tỷ lệ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hàng năm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CCTP.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCTP là việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, bảo vệ quyền con người, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm được Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tỉnh với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác tổ chức các phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo yêu cầu CCTP. 15 năm qua, Tòa án nhân dân 2 cấp và Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp tổ chức xét xử rút kinh nghiệm trên 1.000 vụ án hình sự, 500 vụ án dân sự cho toàn bộ cán bộ, công chức Tòa án, Viện Kiểm sát trong tỉnh theo dõi. Sau các phiên tòa đều tổ chức rút kinh nghiệm với sự tham gia của hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký tham gia xét xử và các thẩm phán, thư ký khác của Tòa án.

Ngoài ra, các nhiệm vụ như hoàn thiện chế định bổ trợ TP; xây dựng đội ngũ cán bộ TP, bổ trợ TP trong sạch, vững mạnh; cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với các cơ quan TP, bảo đảm cơ sở vật chất cho các cơ quan TP và xây dựng cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với công tác TP cũng được tỉnh thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của chiến lược CCTP.

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, sau 15 năm thực hiện chiến lược CCTP đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan TP trong tỉnh; các cơ quan, đơn vị tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật, bộ máy cơ quan TP và các chế định bổ trợ TP. Đồng thời, giúp đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan TP từng bước trưởng thành, bản lĩnh, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu trong thực hiện mục tiêu CCTP.

Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp phối hợp tổ chức thực hiện xét xử rút kinh nghiệm hơn 1.000 vụ án hình sự và 500 vụ án dân sự theo tinh thần cải cách tư pháp

Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp phối hợp tổ chức thực hiện xét xử rút kinh nghiệm hơn 1.000 vụ án hình sự và 500 vụ án dân sự theo tinh thần cải cách tư pháp

Tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Thông tin từ Ban Nội chính Tỉnh ủy, với những kết quả trong thực hiện chiến lược CCTP, năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục xác định công tác CCTP là một trong những nhiệm vụ chính trị nhằm hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cán bộ và hoạt động của các cơ quan TP, thực hiện tốt các chế định bổ trợ TP, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất cho hoạt động TP cũng như các mặt công tác khác trong thực hiện chiến lược CCTP.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững cho biết, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo CCTP sẽ tập trung quán triệt, triển khai Kết luận 84 của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Đảng liên quan đến công tác CCTP, nhất là phổ biến các luật liên quan đến công tác TP được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành cũng như đóng góp ý kiến, đề xuất, kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến công tác TP. Trong đó, tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ các cơ quan TP, trước hết là cán bộ có chức danh TP đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu. Các tổ chức Đảng thường xuyên lãnh, chỉ đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát cán bộ và công tác cán bộ.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan TP, nâng cao chất lượng phiên tòa xét xử theo tinh thần CCTP, nhất là chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, khâu đột phá của CCTP; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đề cao trách nhiệm của cán bộ có chức danh TP trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ việc; không để xảy ra án oan, sai, tập trung rút kinh nghiệm, khắc phục tình trạng án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của cán bộ và cơ quan tiến hành tố tụng; tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân cần tăng cường hơn nữa chức năng công tố và kiểm sát hoạt động TP, bảo đảm các hoạt động tố tụng, thi hành án phải có căn cứ, đúng pháp luật cũng như tăng cường năng lực cho các cơ quan điều tra và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; nâng chất lượng hoạt động xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân và thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động TP./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết