Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chính tinh thần đoàn kết cao độ đưa đất nước ta vượt qua bao khó khăn, thách thức, xây dựng nên cơ đồ vững chắc trên mảnh đất hình chữ S.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, đoàn kết tạo nên sức mạnh quật khởi giúp dân tộc ta làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Ngày nay, tinh thần đoàn kết được phát huy, nhân rộng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết được nâng tầm, biểu dương sức mạnh, cổ vũ, biểu hiện rõ nhất qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, được tổ chức hàng năm (18/11) chính là ngày hội lớn của đất nước, ngày tôn vinh những giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân tập hợp sức mạnh, đồng thuận thực hiện mọi nhiệm vụ vì mục tiêu phát triển, vì sự nghiệp ích nước, lợi nhà. MTTQ Việt Nam cùng cả hệ thống chính trị, tùy vào hoàn cảnh lịch sử và nhiệm vụ cách mạng đã nỗ lực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQ vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… góp phần xây dựng con người mới, xã hội mới. Những hoạt động mang tính đoàn kết được thể hiện rõ là nhân dân cùng góp công, góp của xây dựng kết cấu hạ tầng, tương thân, tương ái, phòng, chống tội phạm, chấp hành pháp luật, hương ước. Những kết quả hiện hữu trong đời sống xã hội là đô thị ngày càng hiện đại, văn minh, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, tình làng nghĩa xóm khắng khít...
Bác Hồ dạy: “Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bài học phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết xóm làng luôn được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nâng niu, phát huy; ý Đảng, lòng dân luôn hòa quyện. Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư chính là đợt biểu dương, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giữa Đảng với nhân dân và giữa các tầng lớp nhân dân với nhau. Qua đó, tiếp tục phát huy, nhân rộng truyền thống đoàn kết, để tinh thần này lan tỏa sâu, rộng trong xã hội và đơm hoa, kết quả trong cuộc sống.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cần được tổ chức vừa trang trọng, vừa tạo không khí gần gũi, vui vẻ, không nên nặng về hình thức. Trọng tâm trong hoạt động ngày hội là tổ chức chăm lo cho gia đình chính sách, người nghèo,... thắt chặt tình làng nghĩa xóm, để các khu dân cư ngày càng no ấm, sung túc./.
Kim Quy