Những kết quả khả quan
Những ngày này, trên khắp các ngả đường của đất nước Việt Nam rợp bóng cờ hoa chào mừng Ngày Quốc khánh 02/9. Với tình yêu quê hương, cùng với cả nước, toàn Đảng, toàn dân Long An ra sức gìn giữ nền độc lập, tự do, dựng xây quê hương và phát triển kinh tế xứng với tiềm năng.
Long An tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ phát triển công nghiệp. Ảnh: Hồng Anh
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần phấn khởi, Đảng bộ và nhân dân Long An triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh có những thuận lợi, đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Song, với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, phấn đấu vươn lên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Long An đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, thời điểm này, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.
Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 1 trong 2 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện nghị quyết, tỉnh có trên 13.360/20.000ha lúa ƯDCNC, đạt trên 66% chỉ tiêu; gần 1.500/2.000ha rau ƯDCNC, đạt 72% chỉ tiêu. Đặc biệt, huyện Châu Thành đã hoàn thành 103% kế hoạch đề án 2.000ha thanh long ƯDCNC, về đích trước thời hạn đề ra (thực hiện 2.077/2.000ha).
Bí thư Huyện ủy Châu Thành - Trương Văn Biết cho biết, trong quá trình thực hiện nghị quyết, Châu Thành có nhiều thuận lợi bởi cơ chế, chính sách phát triển thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sát với tình hình thực tế của huyện, tạo tiền đề cho phát triển trong các năm tiếp theo. Thông qua đề án ƯDCNC, nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi thói quen, tập quán, tư duy trong canh tác, từng bước quen dần sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, góp phần lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường sống con người, tạo ra sản phẩm trái thanh long đạt chất lượng cao.
Trong quá trình thực hiện đề án ƯDCNC, Châu Thành thành lập mới 8/13 hợp tác xã (HTX), 57/98 tổ hợp tác (THT) với tổng diện tích tham gia liên kết sản xuất gần 2.200ha thanh long. Bên cạnh đó, nông dân còn chuyển đổi tưới nước theo cách truyền thống sang tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Đầu ra cho trái thanh long trong thời gian qua cũng được các ngành liên quan hỗ trợ thông qua nhiều hình thức. Trái thanh long hiện là sản phẩm được xuất khẩu thông qua sự hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do đó, các HTX, THT đang bắt tay vào ký kết hợp đồng tiêu thụ với một vài công ty chuyên xuất khẩu cũng như chế biến.
Ông Trương Văn Biết chia sẻ thêm, Châu Thành “về đích” trước hạn đề án 2.000ha thanh long ƯDCNC là điều đáng mừng. Vùng chuyên canh đã có, mục tiêu của huyện là tiếp tục công tác tuyên truyền để nông dân sản xuất thanh long theo hướng quy mô lớn, tạo chuỗi giá trị về kinh tế, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, từng bước xâm nhập vào thị trường TP.HCM và xuất khẩu đi các nước.
Một góc Khu công nghiệp Long Hậu - Hòa Bình
Phát huy tiềm năng xây dựng quê hương
Một trong những tiềm năng cũng như lợi thế vốn có của Long An là có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, giáp ranh TP.HCM. Vì vậy, những năm gần đây, tận dụng những thế mạnh, thuận lợi, Long An tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ phát triển công nghiệp. Đến nay, Long An trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao trong vùng, giai đoạn 2016-2018 đạt khoảng 9,76% (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ 9-9,5%).
Năm 2018, Long An đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,36%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 15.300 tỉ đồng (bằng 119% dự toán Trung ương giao). Thu nhập bình quân đầu người đạt 68,62 triệu đồng/năm (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, đạt 9,89%. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều chia sẻ, so sánh với mức tăng trưởng kinh tế cùng kỳ năm 2018, mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 đạt thấp hơn nhưng vẫn đạt theo kế hoạch đề ra. Mức tăng trưởng kinh tế của 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019. Với kết quả thuận lợi này, dự báo năm 2019, tỉnh sẽ đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đề ra 9,6%.
Những năm gần đây, Long An trở thành điểm sáng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Cụ thể, đến nay, tỉnh có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.257ha, lấp đầy khoảng 85,2% và 22 cụm công nghiệp đang hoạt động, lấp đầy đạt 86,5%. Toàn tỉnh thu hút đầu tư trong nước được 1.897 dự án với số vốn đăng ký 215.504 tỉ đồng; 988 dự án đăng ký đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 6,2 tỉ USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, chiếm 58,2% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3,6 tỉ USD, đạt 58,3% tổng vốn đăng ký. Các dự án tập trung chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp ở các huyện kinh tế trọng điểm như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.
Các dự án đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn đã và đang tạo ra bước đột phá trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Long An. Điều này thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các trung tâm kinh tế gắn với phát triển đô thị, giải quyết việc làm, các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững; đồng thời, kéo theo sự phát triển các loại hình dịch vụ và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đến thăm và tìm hiểu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhấn mạnh: “Long An hiện tại là một trong những tỉnh đứng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tốc độ phát triển kinh tế, nguồn thu ngân sách từ thuế. Kết quả này là do sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng năng động, quyết liệt và cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh. Thời gian tới, Long An quyết tâm, mong muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm động lực cho sự phát triển của tỉnh nhà; đồng thời, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, ƯDCNC, tạo điều kiện để có sự phát triển nhanh và bền vững, từng bước vươn lên trở thành một trong những tỉnh giàu, mạnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Long An tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Song song đó, tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh./.
Mai Hương