Tiếng Việt | English

16/09/2016 - 09:41

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được:

Phát huy tiềm năng, lợi thế để Long An phát triển nhanh, bền vững

Hôm nay, ngày 16/9, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo Phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).

Đây là diễn đàn khoa học để các doanh nghiệp, nhà khoa học và lãnh đạo địa phương thảo luận, đề xuất giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc trao đổi về những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển của tỉnh,...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Văn Được

* PV: Long An là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông có thể cho biết tiềm năng và lợi thế của địa phương?

Ông Nguyễn Văn Được: Long An là tỉnh vừa thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước. Long An không những là cầu nối giữa trung tâm kinh tế-tài chính lớn nhất nước là TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông với Cảng quốc tế Long An đang được xây dựng với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000-50.000 DTW, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài 133km với Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), Cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) và 3 cửa khẩu phụ sẽ nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia.

Điều kiện tự nhiên của tỉnh thuận lợi cho phát triển hài hòa cả công nghiệp và nông nghiệp. Các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và một số khu vực khác như TP.Tân An, một phần huyện Tân Trụ, Thủ Thừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, thương mại và đô thị, do gần thị trường tiêu thị lớn nhất cả nước và nằm trong vùng dãn nở công nghiệp và đô thị của TP.HCM; quỹ đất để phát triển công nghiệp khá dồi dào, toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 13.000ha (trong đó có 16 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 61% và 14 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy gần 90%), chủ yếu nằm ở khu vực này.

Các khu vực khác của tỉnh, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười phù hợp phát triển nông nghiệp. Đây là vùng nguyên liệu rộng lớn phục vụ phát triển công nghiệp chế biến, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 330.000ha, đất rừng trên 30.000ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 8.500ha.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 quốc lộ đi qua, 1 đường cao tốc; dự kiến thời gian tới sẽ được Trung ương đầu tư thêm 2 tuyến đường xe lửa, tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM qua địa bàn, tuyến xe bus tần suất nhanh Tân An-Bến Lức-TP.HCM,...; các tuyến đường tỉnh cũng đang được tập trung đầu tư.

Cảng Quốc tế Long An tại cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông đang được xây dựng với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000-50.000 DTW. Ảnh: Ngọc Lan

Về giao thông thủy, tỉnh có 2 trục chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây hợp lưu ra cửa sông Soài Rạp. Hệ thống điện, nước đang được tập trung đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt.

Ngoài ra, Long An còn nhiều tiềm năng khác: Nguồn nhân lực dồi dào với gần 1 triệu lao động (trong đó có gần 900.000 người đang làm việc trong các ngành kinh tế), chiếm gần 70% dân số tỉnh, với hơn 60% số lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều tiềm năng về thương mại, dịch vụ như các địa chỉ bảo tồn thiên nhiên, di tích văn hóa, di tích lịch sử, nét độc đáo của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi,...

* PV: Với tiềm năng, lợi thế ấy, giai đoạn 2016-2020, Long An sẽ làm gì để khai thác tốt, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Được:

Thứ nhất, về định hướng phát triển: Với những lợi thế mà tỉnh đang có, từ nay đến năm 2020, Long An xác định phát triển theo định hướng tỉnh công nghiệp, phát triển bền vững, hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; có trình độ công nghệ cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực có chất lượng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; có nền quốc phòng-an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Với mục tiêu trên, tỉnh Long An định hướng phát triển công nghiệp bền vững, có khả năng tác động đến các ngành nông nghiệp, dịch vụ và trở thành động lực phát triển KT-XH của tỉnh. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, gắn kết với phát triển dịch vụ công nghiệp; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và dọc, nâng cao tính ổn định, bền vững trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa. Khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành; ưu tiên, mời gọi, bố trí các dự án đầu tư các dự án có tính liên kết sử dụng sản phẩm của nhau; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết phát triển thành doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn nước ngoài.

Bên cạnh công nghiệp, Long An cũng tập trung phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Phát triển các dịch vụ chất lượng cao, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; cải thiện kết cấu hạ tầng các dịch vụ hướng đến các tiện ích hiện đại và thuận tiện với người sử dụng; cân bằng chất lượng dịch vụ giữa các khu vực đô thị và nông thôn. Thiết lập các trung tâm dịch vụ nhằm khai thác lợi thế là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tăng cường các dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ đô thị như: Dịch vụ kho vận, công nghệ thông tin, các tiện ích, nghiên cứu thị trường, dịch vụ tài chính,...

Đồng thời, phát triển các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Xác định trọng tâm là sản xuất lúa, gạo bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; phát triển theo hướng thâm canh và chuyên canh, ứng dụng công nghệ mới phù hợp, sử dụng giống có chất lượng cao.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả an toàn

Phát triển chăn nuôi (heo, bò, gia cầm) theo hướng tập trung có quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa ở vùng Đồng Tháp Mười theo hướng kiểm soát và bảo vệ môi trường sinh thái. Nghiên cứu xây dựng các mô hình tổ chức nuôi trồng phù hợp (câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ kinh tế, trang trại,...), trong đó, ưu tiên tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng lúa, thanh long, chanh, rau, chăn nuôi bò,...

Thứ hai, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư; tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, thông tin-truyền thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển KT-XH, trong đó, chú trọng đầu tư các tuyến đường trục kết nối các khu, cụm công nghiệp với các cảng, sân bay; các tuyến đường động lực để phát triển và kết nối các đô thị; các tuyến đường kết nối với TP.HCM.

Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương qua địa bàn Long An phát huy rất tốt hiệu quả. Ảnh: Tấn Lộc

Thứ tư, tiếp tục kêu gọi đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, chú trọng kêu gọi các tập đoàn kinh tế mạnh vào đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, mời gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, Khu kinh tế cửa khẩu Long An và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Thứ năm, tiếp tục tập trung rà soát tiến độ triển khai các dự án để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai dự án. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, đặc biệt là việc tìm kiếm các thị trường mới, không để phụ thuộc vào một thị trường.

* PV: Thưa ông, Long An đang trong giai đoạn tiếp tục kêu gọi đầu tư, lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, chú trọng kêu gọi các tập đoàn kinh tế mạnh vào đầu tư trên địa bàn. Hiện tại, tỉnh đang có những dự án nào để kêu gọi thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu cho sự phát triển nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)?

Ông Nguyễn Văn Được: Để phục vụ định hướng phát triển của tỉnh, thời gian tới, tỉnh kêu gọi đầu tư vào 15 dự án sau: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; Khu công nghiệp Phú An Thạnh; Khu công nghiệp Việt Phát; Hệ thống tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải sinh hoạt TP.Tân An; Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happy Land); Trung tâm Công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười; Khu vực tiếp nhận kho vận, logistic - Cảng Long An; Trung tâm Kho vận lương thực Đồng Tháp Mười; Trung tâm Kho vận và dịch vụ logistic tại Bến Lức; Phát triển chăn nuôi bò thịt; Nhà máy chế biến khoai mỡ; Trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với TP.HCM; Đường Vành đai TP.Tân An; Nhà máy chế biến thanh long; Dự án Phát triển năng lượng mặt trời huyện Thạnh Hóa.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Hương (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết