Việc triển khai phát triển đô thị thực hiện theo đúng định hướng, phù hợp tốc độ và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 19 đô thị (Trong ảnh: TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại II)
Diện mạo đô thị khởi sắc
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, chương trình phát triển đô thị của tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực mới, từng bước định hướng để địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện có và hình thành, phát triển các đô thị mới. Trong đó, đô thị Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh. Thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và trong vùng giáp ranh TP.HCM. Đến nay, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp; diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Thị xã Kiến Tường tập trung nhiều nguồn lực phát triển đô thị, nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại III. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn thị xã được đầu tư như đường liên xã Bình Hiệp - Thạnh Trị, Tuyên Thạnh - Thạnh Hưng, Bình Tân - Bình Hiệp,... góp phần nâng chất đô thị, tạo diện mạo mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chị Nguyễn Thanh Hiền (phường 3, thị xã Kiến Tường) chia sẻ: “Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi, ngày càng khởi sắc. Người dân được thụ hưởng rất nhiều tiện ích từ chương trình phát triển đô thị, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao”.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, hàng năm, thị xã đều thực hiện các kế hoạch chỉnh trang đô thị, củng cố các chỉ tiêu, tiêu chí của đô thị. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với lộ trình đề ra. Từ diện mạo, cảnh quan đến chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện. Thị xã đã được công nhận đạt đô thị loại III. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để thị xã tiếp tục được định hướng phát triển và đầu tư nâng cấp về mọi mặt, mang lại diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Thị xã Kiến Tường được công nhận đạt chuẩn đô thị loại III
Theo Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại II, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Cảnh quan, diện mạo đô thị không ngừng được cải thiện. Cuộc sống của người dân trên địa bàn ổn định, phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao. Hướng tới, thành phố tiếp tục hoàn thiện và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí đô thị loại II, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng đến thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại. Hiện thành phố phối hợp các sở, ngành để thực hiện và huy động tối đa các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đô thị thông minh theo chủ trương, định hướng của tỉnh.
Phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Hùng thông tin: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Việc triển khai phát triển đô thị thực hiện theo đúng định hướng, phù hợp tốc độ và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Để phát triển đô thị một cách bài bản, cẩn trọng, có tính khả thi cao, Sở Xây dựng với vai trò quản lý nhà nước luôn tuân thủ quy trình thủ tục, nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị theo quy định, bảo đảm phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.
Phát triển đô thị trên địa bàn bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị gắn với an ninh - quốc phòng; bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững; tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hòa với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử hiện có. Phát triển đô thị bền vững phải lấy yếu tố con người làm trọng tâm, cân bằng, hài hòa giữa KT-XH, môi trường sinh thái và không gian kiến trúc, mang lại lợi ích tốt nhất cho thế hệ hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, phát triển đô thị trên địa bàn còn những hạn chế nhất định như hạ tầng chưa đồng bộ, chưa thu hút nhiều dân cư đô thị, chưa có chính sách phát triển đô thị hiệu quả cũng như các công trình lớn tạo điểm nhấn,... Để khắc phục các tồn tại trong phát triển đô thị, nhiều giải pháp được tỉnh đưa ra, trọng tâm là chiến lược đô thị hóa vùng tỉnh Long An, cơ chế, chính sách, quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, cung cấp năng lượng, hệ thống cây xanh, công viên, hạ tầng xã hội, nhà ở xã hội, thu hút đầu tư,...
Sở tham mưu tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển mạnh các đô thị Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tiếp giáp TP.HCM), mở rộng phạm vi ranh giới các đô thị hiện hữu chưa bảo đảm tiêu chuẩn diện tích. Khi phát triển đúng định hướng, trên cơ sở kế hoạch triển khai, thực hiện chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và từng đô thị trên địa bàn tỉnh, thu hút đầu tư có trọng điểm đối với dự án, lĩnh vực ưu tiên đầu tư sẽ khắc phục các tiêu chí chưa đạt, còn hạn chế trong thực hiện và mang lại hiệu quả phát triển đô thị bền vững - ông Nguyễn Văn Hùng thông tin thêm./.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố). Toàn tỉnh có 19 đô thị, cụ thể: 1 đô thị loại II (TP.Tân An), 1 đô thị loại III (thị xã Kiến Tường), 5 đô thị loại IV (thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa) và 12 đô thị loại V (thị trấn Tân Hưng, thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Trụ, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Đông Thành, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Bình Phong Thạnh, đô thị khu vực Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông). |
Châu Sơn