Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh (Trong ảnh: Đô thị TP.Tân An) (Ảnh: Huỳnh Du)
Định hướng phát triển đô thị
Long An là tỉnh duy nhất của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp TP.HCM và vùng Đông Nam bộ trên đất liền. Hiện nay, tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố). Tỉnh có 19 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II (TP.Tân An), 1 đô thị loại III (thị xã Kiến Tường), 5 đô thị loại IV (thị trấn Hậu Nghĩa, thị trấn Bến Lức, thị trấn Cần Đước, thị trấn Cần Giuộc, thị trấn Đức Hòa) và 12 đô thị loại V (thị trấn Tân Hưng, thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn Tân Thạnh, thị trấn Thạnh Hóa, thị trấn Thủ Thừa, thị trấn Tân Trụ, thị trấn Tầm Vu, thị trấn Đông Thành, thị trấn Hiệp Hòa, thị trấn Bình Phong Thạnh, đô thị khu vực Rạch Kiến và đô thị Long Đức Đông).
Thị xã Kiến Tường nằm về phía Tây của tỉnh đang được định hướng phát triển đô thị vùng biên giới (Trong ảnh: Đô thị thị xã Kiến Tường) (Ảnh:Tuấn Hùng)
Huyện Bến Lức có vị trí tiếp giáp TP.HCM, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, trong quy hoạch, huyện được xác định có vị trí địa lý quan trọng, là đô thị vệ tinh của cửa ngõ TP.HCM và là cửa ngõ đi các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại IV, đến năm 2030 trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 xây dựng đô thị Bến Lức theo chỉ tiêu đô thị loại II.
Trong đó, huyện chú trọng phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ theo hướng thông minh, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, cấp điện ngày càng phát triển đồng bộ với hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi, giải trí,...; được đầu tư tại các dự án khu dân cư đô thị, hứa hẹn đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.
Huyện Bến Lức đang tập trung lập đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bến Lức đến năm 2045, gửi Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bến Lức được định hướng phát triển đô thị là công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An.
Theo đó, đối với khu vực phía Nam đô thị Bến Lức đã bố trí 3.261ha đất ở, trong đó, có một số dự án được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và tổ chức đấu thầu dự án,... Khu vực phía Bắc Bến Lức được định hướng phát triển đô thị sinh thái và công nghiệp phù hợp phát triển các khu công nghiệp đến năm 2030 của tỉnh Long An; trong đó, bố trí và phát triển đất ở khu đô thị 3.133ha.
Khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông của đô thị Bến Lức được định hướng phát triển công nghiệp - đô thị sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như quy hoạch khu đô thị sinh thái thông minh, khu phức hợp đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị kết hợp thương mại, vui chơi, giải trí,...
Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2030 sẽ thành lập TP.Cần Giuộc trực thuộc tỉnh (Ảnh: Thanh Nga)
Cũng như Bến Lức, Cần Giuộc là huyện trọng điểm về phát triển KT-XH của tỉnh với vị trí tiếp giáp TP.HCM, có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi. Huyện Cần Giuộc hiện có 14 xã và 1 thị trấn. Toàn huyện có 2 đô thị (1 đô thị loại IV là thị trấn Cần Giuộc được công nhận năm 2015 và 1 đô thị loại V là đô thị Long Đức Đông). Từ năm 2017, huyện được xác định quy hoạch trở thành khu đô thị vệ tinh phía Nam của TP.HCM, là nơi tiếp nhận sự giãn nở về mọi mặt của TP.HCM.
Thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 19/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Long An, trong đó, xác định huyện Cần Giuộc đạt chuẩn đô thị loại III. Với định hướng của tỉnh, huyện Cần Giuộc quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành đô thị Cần Giuộc trên phạm vi toàn huyện (ở cấp đô thị loại III), đến năm 2030 sẽ thành lập TP.Cần Giuộc trực thuộc tỉnh Long An.
Động lực cho phát triển kinh tế
Bên cạnh những kết quả, việc phát triển đô thị của tỉnh thời gian qua có những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đó là tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với bình quân cả nước; bộ mặt các đô thị tuy có khởi sắc nhưng chưa tạo được sự nổi bật và có bản sắc riêng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị qua việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, tỉnh đang xây dựng và phát triển các đô thị thông minh có tính kết nối cao, phát triển bền vững và hiệu quả.
Trong đó, chính quyền tỉnh xem người dân là trung tâm, dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả từ xây dựng đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng; xây dựng mạng lưới giao thông liên kết các đô thị toàn tỉnh và kết nối tốt với TP.HCM, các tỉnh lân cận.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH. Việc tuyên truyền, vận động sâu, rộng trong toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng được thực hiện./.
Gia Hân