Khảo sát hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng (huyện Bến Lức)
PV: Qua giám sát, ông có thể cho biết, hiện nay, các K,CCN còn hạn chế, bất cập gì trong công tác BVMT?
Ông Nguyễn Thanh Cang: Qua khảo sát cho thấy, một số K,CCN đi vào hoạt động, thu hút đầu tư nhưng nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành chưa hiệu quả, gặp sự cố, chưa đạt quy chuẩn xả thải, chưa được đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng lại không vận hành. Một số “điểm nóng, điểm đen” về ô nhiễm môi trường kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm như CCN Hoàng Gia, KCN Xuyên Á. Một số doanh nghiệp (DN) đầu tư hạ tầng KCN chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc đấu nối, thu gom, xả nước thải tại K,CCN còn bất cập: Nhiều DN đầu tư thứ cấp và DN đầu tư hạ tầng không xây hố ga riêng ngay điểm đấu nối, điểm xả nước thải hoặc có hố ga nhưng đặt bên trong tường rào của DN; vị trí điểm cuối của đường ống xả thải ra nguồn tiếp nhận nằm sâu dưới lòng kênh, lòng sông hoặc nơi khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc lấy mẫu nước thải để phân tích và không thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, dễ xảy ra tình trạng lén xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn ra môi trường.
Ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch trên các địa bàn phát triển mạnh về công nghiệp rất đáng lo ngại, nhất là huyện Đức Hòa. Một số DN còn phát sinh mùi hôi, bụi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất nhưng chưa được xử lý tốt, gây ô nhiễm chéo. Một số DN hoạt động nhưng không có hồ sơ môi trường theo quy định; không tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT, cố tình vi phạm, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt.
Việc quản lý chung, trong đó có quản lý về môi trường đối với các đơn vị thuê lại mặt bằng nhà xưởng của DN đầu tư thứ cấp trong K,CCN để sản xuất, nhất là thuê lại một phần mặt bằng nhà xưởng hiện nay rất phức tạp, còn lỏng lẻo, khó kiểm soát. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch tại một số K,CCN chưa hoàn chỉnh; còn tình trạng họp chợ tự phát, bán hàng rong gây mất vệ sinh, mỹ quan và rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý tốt; phát sinh một số bãi rác lộ thiên với khối lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường kéo dài.
Đoàn khảo sát hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Thịnh Phát (huyện Bến Lức)
Những khó khăn, hạn chế, bất cập trên tác động không tốt đến môi trường tự nhiên, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT bền vững trên địa bàn tỉnh.
PV: Để làm tốt công tác BVMT tại các K,CCN trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì?
Ông Nguyễn Thanh Cang: Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc BVMT tại các K,CCN trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thứ 10. Theo đó, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương tập trung thực hiện một số vấn đề sau:
Quán triệt nghiêm túc, thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương của tỉnh là phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT bền vững. Kiểm soát tốt vấn đề môi trường ngay từ khâu tiếp nhận đầu tư, nhất là thực hiện nghiêm Quyết định số 787/QĐ-UBND, ngày 13/3/2018 của UBND tỉnh về quy định danh mục ngành nghề khuyến khích đầu tư, ngành nghề tiếp nhận đầu tư có điều kiện, ngành nghề tạm dừng tiếp nhận đầu tư, ngành nghề được xem xét tiếp nhận đầu tư ngoài K,CCN trên địa bàn tỉnh.
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải sau xử lý của các DN bảo đảm theo quy chuẩn. Yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các K,CCN thuộc đối tượng bắt buộc lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động phải thực hiện lắp đặt theo quy định.
Yêu cầu các DN thứ cấp đang hoạt động phải xây hố ga đấu nối nước thải đặt ngoài tường rào của DN trước khi đưa vào đường ống thu gom nước thải của DN đầu tư hạ tầng (đến cuối tháng 6/2019 cơ bản thực hiện xong việc này). Yêu cầu các DN đầu tư hạ tầng đang hoạt động phải xây hố ga giám sát nước thải đặt ngoài tường rào của khu xử lý nước thải tập trung; vị trí điểm cuối của đường ống xả thải phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát (đến cuối tháng 12/2018 cơ bản thực hiện xong việc này).
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT của các DN. Có lộ trình, giải pháp cụ thể chấm dứt hoạt động hoặc yêu cầu thay đổi công nghệ đối với các DN có ngành nghề ô nhiễm cao, công nghệ, thiết bị, quy trình sản xuất lạc hậu. Có cơ chế ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ việc cho thuê lại mặt bằng nhà xưởng của các DN gắn với thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Đôn đốc, yêu cầu DN đầu tư hạ tầng các K,CCN đang hoạt động nhưng chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông và tỷ lệ trồng cây xanh, phải khẩn trương đầu tư hoàn chỉnh mới tiếp tục tiếp nhận đầu tư.
Có giải pháp xử lý hữu hiệu vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh do tác động của việc xả nước thải trong sản xuất công nghiệp. Huy động, bố trí nguồn vốn phù hợp để nạo vét, khơi thông dòng chảy của các tuyến kênh, rạch đã bị bồi lắng. Trước mắt, ưu tiên rà soát, giải quyết ngay đối với các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng tại địa bàn các xã phát triển công nghiệp của huyện Đức Hòa.
Đối với các vấn đề cụ thể, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Xuyên Á, CCN Hoàng Gia; tình trạng họp chợ tự phát bán hàng rong gây mất vệ sinh, mỹ quan và rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý tốt tại một số K,CCN; tình trạng một số bãi rác lộ thiên với khối lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường, kéo dài (bãi rác trên phần đất cặp KCN Đức Hòa I - Hạnh Phúc, bãi rác bên trong Công ty Cổ phần Môi trường xanh Thành Tài tại xã Long Định, huyện Cần Đước); tình trạng phát sinh mùi hôi, tiếng ồn trong quá trình sản xuất tại một số DN,...
Đoàn khảo sát tại Khu công nghiệp Đức Hòa 1-Hạnh Phúc (huyện Đức Hòa)
Đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT và triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường các cấp và các K,CCN; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành trong quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường.
Tin rằng, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công tác BVMT tại các K,CCN sẽ chuyển biến tích cực, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.
PV: Xin cảm ơn ông!
An Kỳ (thực hiện)