Tiếng Việt | English

28/12/2017 - 09:41

Phát triển kinh tế tập thể: Rất cần có chính sách hỗ trợ

Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) cùng tổ hợp tác (THT) có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm gần đây, việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng trở nên “nóng” hơn trên địa bàn tỉnh; trong đó, KTTT giữ vai trò “bệ đỡ” cho các hộ nông dân.

Hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình nông dân

Hợp tác xã có vai trò quan trọng

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - Phan Văn Liêm: “Thực tế cho thấy, KTTT đã và đang từng bước đầu tư, xây dựng để hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân. Bởi, KTTT nổi bật ở khả năng dẫn dắt, hỗ trợ và đảm nhiệm những công việc mà từng hộ nông dân làm không hiệu quả hoặc không làm được. Đồng thời, HTX có vai trò bảo vệ quyền lợi cho thành viên tham gia”.

Năm qua, HTX Chăn nuôi Tân Mỹ (huyện Cần Đước) chủ động định hướng cho xã viên chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí; đồng thời, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, thành viên HTX an tâm sản xuất, có lãi cao, vươn lên thành hộ khá, giàu ở địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Nhanh - xã viên HTX, chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà khoảng 10 năm nay. Tuy có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi luôn lo lắng cho việc sản xuất của mình; vì chăn nuôi riêng lẻ nên hạn chế nhiều thứ. Được tham gia HTX giống như “luồng gió mới” đến với tôi! Từ đây, nông dân tiếp cận chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thông qua HTX; quy trình sản xuất, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được HTX hướng dẫn áp dụng giúp tôi và các thành viên HTX giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng cao hơn. Thời gian gần đây, dù gặp khó khăn do giá trứng gà thấp nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng và tiếp tục chăn nuôi, nhờ đó mà dịp này thu lãi cao hơn. Gia đình tôi nuôi khoảng 20.000 con gà đẻ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 16.000-18.000 quả trứng, trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 4-5 triệu đồng/ngày”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chăn nuôi Tân Mỹ - Võ Đông Triều cho biết: “HTX được thành lập năm 2016, với 30 thành viên, chủ yếu chăn nuôi gà đẻ. HTX giúp nông dân hưởng nhiều lợi ích, nhất là việc cạnh tranh về giá và thị trường. Thông qua HTX, xã viên được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, thuận lợi khi đàm phán hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương: “Qua thực tế, để xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ, chế biến, đến tay người tiêu dùng thì vai trò của HTX và các THT không thể thiếu. Do đó, mấu chốt để thúc đẩy HTX phát triển phải là tăng năng lực kinh doanh của HTX. HTX là đơn vị kinh tế dẫn dắt, trợ giúp hộ nông dân, không chỉ tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao, an toàn mà còn là đối tác về mặt kinh tế để thay nông dân kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường”.

Nông dân sản xuất hiệu quả khi tham gia hợp tác xã

Từ khi thi hành Luật HTX năm 2012, đến nay, toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX: Long An và Cần Giuộc, tăng 1 liên hiệp HTX; có 133 HTX, tổ chức lại hoạt động 119 HTX, chiếm 90% tổng số HTX.

Còn những khó khăn

Tuy KTTT bước đầu mang lại hiệu quả nhưng nhiều hộ nông dân vẫn lo lắng khi tham gia HTX, THT. Tổ trưởng THT Chăn nuôi bò sinh sản ấp Mỹ Lợi (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) - Lương Văn Nghiệp thông tin: “THT hiện có 16 thành viên với tổng đàn bò gần 100 con. Tôi và các thành viên khác rất lo lắng vì hiện nay giá bò không cao, chi phí đầu tư khá nhiều. Các chính sách hỗ trợ chưa kịp thời, sản xuất bước đầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn nên THT chưa thể phát huy hết năng lực của mình. Chúng tôi cần có thêm sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng để việc sản xuất của người chăn nuôi đạt kết quả cao”.

Giám đốc HTX Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) - Phan Văn Thủ cho biết: “HTX còn gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đầu ra chưa ổn định nên nhiều hộ dân không muốn tham gia. HTX kiến nghị các cấp cần có chính sách hỗ trợ sát thực tế, thông tin định hướng về tình hình sản xuất cho người dân biết và tìm đầu ra qua việc bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, việc liên kết sản xuất mới đạt hiệu quả, HTX mới thu hút được hộ nông dân tham gia. Hiện nay, HTX Cây Trôm có 28 thành viên, chuyên sản xuất lúa, với tổng diện tích 420ha”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Hữu Hồng: “Nhiều nông dân trên địa bàn huyện không “mặn mà” với HTX, THT do chưa thấy được hiệu quả khi tham gia. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia và xây dựng mô hình HTX, THT hoạt động hiệu quả để người dân nhận thấy lợi ích, từ đó tích cực tham gia”.

Hợp tác xã, tổ hợp tác giữ vai trò nòng cốt phát triển kinh tế cho người dân

Cần có chính sách hỗ trợ

Trước thực trạng trên, để phát triển KTTT không thể một sớm một chiều và càng không thể chỉ nói, chỉ hô hào mà cần chứng minh qua hiện thực. Bởi, nhiều nông dân cho rằng, nếu làm không chuẩn có thể “trượt” theo vết xe đổ của mô hình HTX kiểu cũ. Do vậy, phải xây dựng được các HTX hiệu quả thực sự, đủ sức thu hút người dân tự nguyện tham gia. Để làm được điều đó, trước hết cần tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho HTX kiểu mới. Hiện có Luật HTX năm 2012, nhưng vẫn cần có nghị định riêng về HTX nông nghiệp và các chính sách phát triển KTTT, đặc biệt là HTX và các THT trong điều kiện mới.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Phan Văn Liêm cho biết: “Để phát huy vai trò kinh tế tập thể, cần hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả KT-XH trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các HTX. Muốn vậy, cần chính sách hỗ trợ hạ tầng sản xuất của HTX; hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh cho cán bộ, xã viên và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động kỹ thuật.. Vì thế, mỗi địa phương cần có những sáng kiến, mô hình thích hợp để xây dựng HTX theo thế mạnh của từng nơi. Tất nhiên, dù mô hình kiểu gì thì nhiệm vụ trọng tâm vẫn phải là hỗ trợ các hộ nông dân là thành viên HTX để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất; giúp các nông hộ phát triển kinh tế ổn định, làm tiền đề cho HTX phát triển bền vững.

Đồng thời, ngành phối hợp các tổ chức liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để mọi chủ thể liên quan (nông dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp,...) hiểu rõ bản chất, vai trò quan trọng của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp; xây dựng mô hình HTX thực sự mang lại lợi ích vượt trội để thu hút nông dân tự nguyện tham gia. Từ những việc làm thiết thực trên, nhất định KTTT mà nòng cốt là HTX sẽ góp phần hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ kết cấu hạ tầng cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường”./.

Huỳnh Phong-Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết