100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được trang bị tủ sách pháp luật phục vụ cán bộ và người dân
Xây dựng những mô hình thiết thực
Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Long An phối hợp các ngành, địa phương triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình PBGDPL. Năm 2017, toàn tỉnh triển khai, nhân rộng mô hình “Tiết PL” trong trường học, thu hút sự quan tâm của học sinh cũng như thầy cô giáo. Sở Tư pháp phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan tổ chức thành công cuộc thi “Thanh, thiếu niên trong học đường hiểu biết và thực hiện PL về an toàn giao thông” cho đoàn viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Qua mô hình này giúp học sinh nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tự giác và trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần hạn chế tai nạn giao thông và vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, PBGDPL về an toàn giao thông.
Các địa phương đều xây dựng các mô hình PBGDPL nhằm tuyên truyền sâu, rộng đến cán bộ, đảng viên và người dân. Tại huyện Cần Đước, từ thành công của mô hình “Tủ sách PL”, đến nay, huyện mở rộng thành mô hình “Điểm sáng PL” với mục tiêu hướng tới thực hiện tốt xã hội hóa công tác PBGDPL.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Mô hình “Điểm sáng PL” kế thừa từ các mô hình: “Tủ sách PL” và “Túi sách PL” nhưng có sự sáng tạo về hình thức, kiểu dáng, mỹ quan hơn trước, thu hút được sự tìm tòi, nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, địa điểm đặt tủ sách cũng thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho người dân đến tìm hiểu. Các tủ sách thường được đặt ở các trung tâm học tập cộng đồng, các khu vui chơi, giải trí, các công ty, xí nghiệp hay ở các quán cà phê, giải khát. Qua đó, góp phần đưa công tác PBGDPL đến với đông đảo người lao động, người sử dụng lao động trong các công ty, xí nghiệp cũng như phổ biến PL sâu, rộng trong cộng đồng dân cư”.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được trang bị tủ sách PL, trên 850 tủ sách PL được trang bị tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và 100% cơ sở giáo dục trực thuộc có ngăn sách PL được trang bị tại các thư viện trường học. Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh - Lê Thị Lo cho biết: “Để bảo đảm các luật, văn bản mới phục vụ người dân, hàng năm, UBND các cấp đều quan tâm trang bị đầy đủ sách PL, tài liệu PBGDPL cho các tủ sách PL”.
Gắn PBGDPL với xây dựng nông thôn mới
Một trong những điểm mới trong công tác PBGDPL năm nay là việc Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc quyết định ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận PL. Theo Sở Tư pháp tỉnh, việc ban hành quyết định này có ý nghĩa rất lớn trong công tác PBGDPL.
Với quyết định này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ nâng cao nhận thức PL, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành PL, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về PL và kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành PL trên địa bàn cấp xã. Riêng tại tỉnh Long An, cụ thể hóa quyết định này, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1243/QĐ-UBND về việc ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Trong đó, gắn tiêu chí hệ thống chính trị tiếp cận PL để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng cho biết: “Để hoàn thành tiêu chí hệ thống chính trị tiếp cận PL, hầu hết cán bộ xã đều được trang bị máy tính kết nối mạng hay sử dụng điện thoại cá nhân để tra cứu luật, các văn bản mới phục vụ công tác cũng như tìm hiểu thông tin. Việc tiếp cận PL, cập nhật các kiến thức PL góp phần quan trọng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, PL, quản lý nhà nước và xã hội bằng PL; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ”.
An Lục Long, huyện Châu Thành, một trong những xã vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã - Phạm Văn Lành cho biết: “Bộ tiêu chí mới bắt buộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đạt chuẩn tiếp cận PL theo quy định. Do đó, mặc dù mới triển khai xong, địa phương bắt tay ngay vào thực hiện, cử cán bộ dự các lớp tập huấn hướng dẫn để áp dụng. Qua quá trình triển khai, những vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính dần được tháo gỡ, bản thân cán bộ nhận thức rõ hơn việc tự trang bị kiến thức PL phục vụ công tác chuyên môn cũng như trong việc phổ biến kiến thức PL đến với người dân, góp phần phát huy dân chủ tại cơ sở, đưa xã hoàn thành tiêu chí số 18 - tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận PL trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh - Lê Thị Lo cho biết: “Việc gắn PBGDPL trong xây dựng nông thôn mới là một trong những điểm nhấn trong công tác PBGDPL năm nay. Mặc dù mới triển khai thực hiện nhưng bước đầu đạt hiệu quả nhất định. Trước đây, khi chưa có quy định này, một số cán bộ cấp xã lúng túng trong việc áp dụng PL vào giải quyết công việc chuyên môn. Hiện nay, việc gắn quy định này góp phần nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng PL cũng như việc tuyên truyền, PBGDPL đến với nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp”./.
Kiên Định