Trẻ em là đối tượng được xã hội quan tâm, ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Vấn đề tạo “đề kháng” cho trẻ và các giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này là điều được nhiều người quan tâm.
Theo báo cáo của Bộ Công an, 8 tháng năm 2024, trên cả nước đã điều tra, khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em; đồng thời, xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng.
Trong đó, có 188 vụ dùng mạng xã hội để làm quen với trẻ em để xâm hại. Riêng tại Long An, 8 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 30 đối tượng.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là sự du nhập của những luồng văn hóa không chính thống trên các trang mạng xã hội. Nạn nhân chưa nhận thức đầy đủ về những nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những mối quan hệ quen biết, tình cảm trên Internet. Từ đó, những đối tượng phạm tội lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các em để dụ dỗ, lôi kéo và thực hiện hành vi phạm tội.
Một số cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ bản thân, chưa quan tâm đến sự phát triển về tâm sinh lý của con. Bên cạnh đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly hôn, bỏ mặc con cái, thậm chí cha mẹ vi phạm pháp luật,... là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, thiếu kiến thức và bị xâm hại tình dục.
Đặc biệt, với tình hình phát triển kinh tế, sự phát triển của công nghệ thông tin, người chưa thành niên đều được sử dụng điện thoại thông minh và tham gia các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, dễ làm quen, tiếp xúc với bạn khác giới trong một thời gian dài, dẫn đến nảy sinh tình cảm và quan hệ tình dục nhưng gia đình không phát hiện.
Hiện toàn tỉnh có hơn 368.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 18,4% tổng dân số; trong đó, có 2.954 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 12.091 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các thông tin “độc hại” tràn lan trên mạng,… đều là những cạm bẫy dễ khiến trẻ rơi vào vấn nạn bạo lực, lạm dụng tình dục,… Vì thế, các cấp, các ngành, đoàn thể và từng gia đình cần quan tâm giáo dục đạo đức, tính cách con người và có biện pháp bảo vệ trẻ em.
Để vấn nạn này giảm và tạo môi trường an toàn cho trẻ em, xã hội, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và từng nhóm đối tượng.
Trong đó, tập trung tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng; kỹ năng ứng phó; kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ bản thân; kỹ năng nhận biết các dấu hiệu, nguy cơ đối tượng có thể xâm hại tình dục,.... Đồng thời, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm từ trong gia đình; nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ và giáo dục có hiệu quả nhân phẩm, đạo đức cá nhân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân của trẻ.
Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tổ chức các hoạt động vì trẻ em, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường tuyên truyền, giáo dục giới tính và pháp luật về xâm hại tình dục cho thanh, thiếu niên, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em và thanh, thiếu niên.
Bên cạnh đó, gia đình cần tạo điều kiện tốt nhất để các em có một môi trường phát triển lành mạnh, có điều kiện trau dồi các kỹ năng sống nhằm phản kháng tốt trước các nguy cơ tiềm ẩn về bạo lực, xâm hại.
Cha mẹ cần thường xuyên dạy trẻ những kỹ năng cơ bản để các em có kiến thức, nhận thức trước những nguy cơ có thể gặp phải như dạy trẻ về giới tính và các vùng nhạy cảm, không cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm, không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, tránh xa người lạ mặt, không cho người lạ mặt vào nhà, tìm cách báo cho người lớn khi có nguy cơ bị đe dọa, bắt nạt,...
Với sự quan tâm, quyết liệt vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng, hy vọng rằng, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ được ngăn chặn, để trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần./.
Thanh Tuyền