Gần đây, tại các tỉnh, thành phố trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Dù chính quyền địa phương, nhà trường đã có nhiều cảnh báo nhưng do sự lơ là, chủ quan, bất cẩn,… đã dẫn đến những vụ việc đau lòng. Do đó, để phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 1-4 tuổi; là nguyên nhân thứ ba gây tử vong do thương tích không chủ ý ở trẻ em và thanh, thiếu niên từ 5-19 tuổi. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây thực sự là con số rất xót xa, cũng là “hồi chuông” cảnh báo về sự an toàn của trẻ em.
Các chuyên gia đánh giá, là một quốc gia có bờ biển dài và nhiều sông, suối nên tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn đứng thứ 7 trong các quốc gia ở Tây Thái Bình Dương; số lượng trẻ em tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần so với các nước khác.
Năm 2024, dự báo thời tiết sẽ nóng hơn do ảnh hưởng của El Nino, trẻ em có nhu cầu bơi lội nhiều hơn. Hơn nữa, người dân ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đào nhiều ao, hồ hơn để sản xuất nông nghiệp. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước cho trẻ em hơn.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước khi tắm tại một hầm đất đã khai thác.
Mùa hè đang đến. Đây cũng là thời điểm học sinh bước vào kỳ nghỉ. Dịp này, các em tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do, trong đó có việc rủ nhau đi tắm mưa, tắm sông. Mùa hè cũng là thời điểm xuất hiện những cơn mưa khiến cho mực nước ở các tuyến kênh, mương quanh nhà dâng cao dễ xảy ra tai nạn với trẻ nếu người lớn thiếu quan sát, lơ là trong việc trông coi, quản lý trẻ nhỏ trong gia đình.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội, do đó cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Các cấp, ngành cần triển khai quyết liệt và hiệu quả Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; các công điện, công văn của Ủy ban Quốc gia về trẻ em có nội dung về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho cha mẹ, trẻ em, học sinh và cộng đồng dân cư; rà soát các khu vực nước sâu, nguy hiểm có nguy cơ gây đuối nước để có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh báo, cảnh giới.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, có giao ước cam kết trong trường học, ấp, khu phố, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước; Đoàn Thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia.
Đặc biệt, phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em không được tắm sông, ao, hồ,… khi chưa được sự đồng ý, giám sát của cha mẹ; đồng thời, cho con em học bơi, rèn kỹ năng phòng ngừa đuối nước để có thể chủ động phòng tránh nguy hiểm. Điều quan trọng hơn là phụ huynh cần chỉ dẫn cũng như cảnh báo cho con em nên vui chơi ở đâu, như thế nào,… để bảo đảm an toàn.
Với sự chung tay, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình, hy vọng có thể tránh những hậu quả đáng tiếc, đau buồn do đuối nước gây ra./.
Thanh Tuyền