Cảnh sát giao thông tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh
Ngày 19/10/2022, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có Chương trình phối hợp số 11 về tăng cường tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025 để đẩy mạnh công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Tại địa bàn tỉnh Long An, ngày 17/01/2023, Công an tỉnh, Sở GD&ĐT ký kết kế hoạch phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hồng Thi (Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh), kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng công an và cơ sở giáo dục trong trao đổi thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho HS, sinh viên (SV). Mục tiêu đề ra là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, kéo giảm TNGT, từng bước hình thành văn hóa giao thông trong HS, SV trên địa
bàn tỉnh.
“Thực hiện Chương trình phối hợp số 11 giữa Bộ Công an, Bộ GD&ĐT cũng như xuất phát từ tình hình thực tế về TTATGT trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh, Sở GD&ĐT đề ra 4 nội dung trọng tâm phối hợp thực hiện” - Thiếu tá Nguyễn Hồng Thi cho biết.
Thứ nhất, lực lượng công an và cơ sở giáo dục phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa cho HS, SV ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng văn hóa giao thông và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho HS, SV.
Thứ hai, nhà trường, cơ sở giáo dục phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc giữ gìn TTATGT; đẩy mạnh cuộc vận động HS, SV với văn hóa giao thông và tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình Cổng trường ATGT trên toàn tỉnh.
Thứ ba, trong giảng dạy, tăng cường đưa nội dung giáo dục pháp luật về TTATGT và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến THPT và đại học; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế.
Thứ tư, lực lượng công an và cơ sở giáo dục phối hợp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, huấn luyện HS, SV các kỹ năng tham gia giao thông an toàn như điều khiển xe môtô, gắn máy an toàn, phòng, chống đuối nước, cách thoát hiểm khi gặp các tình huống giao thông nguy hiểm và một số kỹ năng an toàn khác, kết hợp lồng ghép xây dựng ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông.
Qua hơn 9 tháng thực hiện, công an và ngành GD&ĐT phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT. Công an và các cơ sở giáo dục phối hợp trao đổi thông tin, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho HS, SV; tổ chức cam kết thực hiện ATGT được sâu, rộng trong các cơ sở giáo dục, trường học, giáo viên, HS, SV và phụ huynh,...
Theo Thiếu tá Nguyễn Hồng Thi, để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trước cổng trường cũng như góp phần hạn chế TNGT liên quan đến HS, SV, lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm đối với những HS, SV vi phạm TTATGT. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi,...
Đồng thời, CSGT phối hợp công an xã, phường, thị trấn và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng thanh, thiếu niên, HS, SV thường xuyên tụ tập đông người, có dấu hiệu đua xe, cổ vũ đua xe, lạng lách, đánh võng hay điều khiển phương tiện dàn hàng ngang gây cản trở giao thông, mất trật tự công cộng, tiến hành giải quyết dứt điểm ngay từ ban đầu, không để vụ việc xảy ra phức tạp.
Thông tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, 10 tháng năm 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh lập biên bản xử lý vi phạm hành chính gần 200 trường hợp liên quan đến HS, SV vi phạm TTATGT. Các hành vi mà HS, SV thường vi phạm như không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe môtô, xe máy điện khi chưa đủ tuổi,...
Lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt học sinh vi phạm pháp luật về giao thông
Trong đó, lỗi vi phạm phổ biến là điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các lỗi vi phạm liên quan đến HS. Cũng từ vi phạm này cho thấy, một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, giao xe cho con khi chưa đủ tuổi theo quy định.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Phan Thị Dạ Thảo cho biết: Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ công an và các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT trong HS. Công tác tuyên truyền thực hiện bằng nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép trong các môn học, tổ chức các hội thi, hội diễn, mời CSGT trực tiếp đến trường tuyên truyền, đăng tải thông qua các trang mạng xã hội,... Đồng thời, tổ chức cho HS, phụ huynh cam kết chấp hành pháp luật về ATGT. Trong đó, đề nghị phụ huynh không giao xe cho HS khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
Bên cạnh đó, giữa lực lượng chức năng, gia đình và các trường tăng cường phối hợp trong việc quản lý và giáo dục HS chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATGT. Trong đó, chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của HS giữa lực lượng chức năng đến nhà trường và từ nhà trường đến gia đình để cùng quản lý và giáo dục./.
Lê Đức