Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các địa phương
Chiều 02/11, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia - Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyên đề bảo đảm ATGT đối với học sinh. Tại tỉnh Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, trên cả nước tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh xảy ra 881 vụ (chiếm gần 9% số vụ TNGT toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm gần 9% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm gần 12% số người bị thương toàn quốc). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Về phương tiện điều khiển liên quan trong vụ TNGT thì xe mô tô trên 175cm3 chiếm 0,44%, xe mô tô từ 50-175cm3 chiếm trên 71,3%, xe hai bánh dưới 50cm3 chiếm gần 16%, xe đạp chiếm gần 5%, xe đạp điện chiếm trên 4%, xe máy điện chiếm trên 3%,...
Nguyên nhân xảy ra TNGT là đi không đúng phần đường, làn đường, chiều đường quy định; không chú ý quan sát; chuyển hướng không đúng quy định, tránh, vượt không đúng quy định,...
Cũng theo Bộ Công an, trong 10 tháng năm 2023, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã phát hiện, xử lý gần 65.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự (TT), ATGT (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm TTATGT toàn quốc), phạt tiền trên 39,2 tỉ đồng (chiếm 0,73% tổng số tiền phạt vi phạm TTATGT toàn quốc); tạm giữ trên 61.300 xe mô tô. Trong đó, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên 30.600 trường hợp (chiếm gần 48%) và hệ quả là TNGT liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.
“TNGT liên quan học sinh xảy ra nhiều, hết sức lo ngại làm gần 500 em chết mỗi năm và hơn 800 em bị thương, để lại những hậu quả nặng về đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết.
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành và địa phương đã phân tích, đánh giá về tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về ATGT hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo, đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện đang diễn ra khá phổ biến. Từ đó, làm gia tăng nguy cơ TNGT,...
Hội nghị cũng cho rằng, một số ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức được đầy đủ ý nghĩa, vai trò của việc bảo đảm ATGT cho học sinh. Việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về ATGT vẫn còn những hạn chế. Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con em. Qua thống kê, trên 71% vụ TNGT liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối, đây là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An
Bên cạnh đó, mặt trái của Internet và các trang mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay. Trong khi đó, nhiều người trưởng thành, thậm chí người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực, quay clip đua xe, bốc đầu, đánh võng,... đăng tải lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ. Qua những vấn đề trên, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng thông tin về việc triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT trong học sinh.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang yêu cầu, các cấp, các ngành triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới”; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới”.
Tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, lưu ý tuyên truyền cá biệt, ứng dụng mạng xã hội để học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập trung trang bị cho học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng khi đi trên phương tiện thủy và khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt, kỹ năng xử lý tình huống. Phát động và xây dựng phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo đảm TTATGT, vận động từng gia đình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển.
Cảnh sát giao thông tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông cho học sinh
UBND các địa phương phải có giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện hiệu quả để bảo đảm tuyệt đối an toàn trường học, nhất là ATGT khu vực cổng trường. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm TTATGT đối với học sinh; đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ và năm học.
Tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng chức năng - nhà trường - gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT, trong đó chú trọng công tác trao đổi thông tin về vi phạm TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về ATGT,...
"Trong công tác bảo đảm TTATGT đối với học sinh, đề nghị các địa phương không được chủ quan. Người đứng đầu phải nêu cao vai trò, trách nhiệm, kiểm tra, giám sát học sinh chấp hành pháp luật ATGT. Cùng với đó, phải tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT cho học sinh", Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang nhấn mạnh./.
Lê Đức