Hiện nay, nhu cầu học lớp Trang điểm thẩm mỹ của lao động thất nghiệp rất nhiều
Hiện, TTDVVL Long An tuyển sinh đào tạo trình độ thường xuyên như Lắp đặt điện công nghiệp; điện lạnh dân dụng; thiết kế đồ họa; công nghệ ô tô; sửa chữa thiết bị may; kỹ năng tiếng Hoa căn bản,… Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, năm 2022, TTDVVL Long An mạnh dạn mở thêm hai nghề mới gồm Trang điểm thẩm mỹ và Vận hành xe nâng hàng. Hai nghề này đang thu hút rất nhiều đối tượng đến học, nhất là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị Vũ Linh Giang (bìa trái) đang học nghề Trang điểm thẩm mỹ
Chị Vũ Linh Giang (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Trước đây tôi làm Công ty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam, huyện Bến Lức. Tuy nhiên, tôi thường xuyên tăng ca nên không có thời gian nhiều để chăm sóc gia đình, do đó tôi quyết định nghỉ việc. Khi vào làm các hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi được nhân viên tư vấn các nghề dạy miễn phí cho lao động thất nghiệp, trong đó có nghề trang điểm thẩm mỹ. Do đó, tôi quyết định học nghề trang điểm thẩm mỹ. Hiện tôi học được gần 2 tháng, thời gian học từ 17-20 giờ, tuần học 4 buổi. Dự kiến, sau khi hoàn thành khóa học tôi sẽ học thêm một số lĩnh vực như chăm sóc da để có thể tự mở tiệm”.
Chị Phạm Ngọc Giàu (bìa trái) cho biết: "Nghề trang điểm thẩm mỹ rất dễ tim việc làm hoặc tự tạo việc làm"
Theo chị Phạm Thị Ngọc Giàu (giáo viên dạy trang điểm thẩm mỹ tại TTDVVL Long An), chi phí học khóa Trang điểm thẩm mỹ cơ bản bên ngoài mất ít nhất 5 triệu đồng. Còn học ở Trung tâm chỉ tốn 3 triệu đồng, trong đó, đối tượng lao động thất nghiệp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hoàn toàn được miễn phí. Khi hoàn thành khóa học Trang điểm thẩm mỹ, các học viên có nhu cầu mở tiệm thì có thể đi học thêm một số chuyên môn khác, đồng thời, các học viên có thể tự trang điểm và trang điểm thuê cho những ai có nhu cầu trang điểm đi dự tiệc, kể cả trang điểm cô dâu.
Lao động thất nghiệp học nghề Vận hành xe nâng hàng
Tương tự trường hợp của chị Giang, anh Lê Thành Y (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) cùng được tư vấn học nghề sau khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Anh Y cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải nghỉ việc. Sau một thời gian tôi sắp xếp công việc gia đình chu đáo và muốn đi làm lại nhưng công ty cũ lại từ chối do đã nhận đủ người. Không nản lòng, tôi cầm hồ sơ đi xin việc khắp nơi, thế nhưng hầu như công ty nào cũng lắc đầu, vì không tuyển công nhân chưa có tay nghề. Trước tình hình này, tôi quyết định vừa nhận trợ cấp thất nghiệp vừa học nghề vận hành xe nâng hàng. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi tin chắc sẽ tìm được công việc phù hợp, với mức lương ổn định”.
Dự kiến, sau khi có kinh nghiệm, anh Nguyễn Tuấn Khanh sẽ tự tạo việc làm
Còn anh Nguyễn Tuấn Khanh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) nghỉ việc ở Công ty TNHH Giày ChingLuh Việt Nam, huyện Bến Lức đến trung tâm làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi được hướng dẫn tham quan các lớp nghề, anh Khanh rất phấn khởi và đăng ký học nghề Điện lạnh dân dụng. Dự kiến, sau khi có chứng nhận qua đào tạo nghề, anh sẽ đi làm thêm ở tại các cửa hàng điện lạnh để tích lũy kinh nghiệm, sau đó sẽ tự mở tiệm kinh doanh. Anh Khanh bộc bạch: “Gia đình có sẵn mặt bằng, nên tôi chỉ cần cố gắng tích lũy kinh nghiệm để mở tiệm kinh doanh và sữa chữa điện lạnh. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của bản thân thì mơ ước mở tiệm điện lạnh sẽ sớm thành hiện thực”.
Giám đốc TTDVVL Long An - Trần Văn Tiếng cho biết: “Khi người lao động vào nộp hồ sơ để nhận trợ cấp thất nghiệp, nhân viên trung tâm sẽ tư vấn giới thiệu việc làm và tư vấn hỗ trợ học nghề cho người lao động. Tại đây, người lao động thoải mái trao đổi với nhân viên, sau đó nhân viên tư vấn sẽ giải đáp các thắc mắc cho người lao động. Chi phí học nghề của đối tượng lao động thất nghiệp sẽ được quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Ngoài tạo điều kiện cho lao động thất nghiệp học nghề, trung tâm còn tạo điều kiện cho họ tham gia các sàn giao dịch việc làm. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TTDVVL Long An đã đào tạo hơn 600 lao động thất nghiệp. Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian tới, trung tâm tiếp tục mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên dạy nghề.
Quan tâm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Qua đó, góp phần cùng các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng tái nghèo hoặc phát sinh nghèo./.
Lê Ngọc - Lê Ngân - A.Thuận