Tiếng Việt | English

20/12/2021 - 09:03

Quan tâm, giúp đỡ nữ chủ hộ nghèo thoát nghèo

Giúp đỡ, hỗ trợ hội viên (HV), phụ nữ (PN) phát triển kinh tế, thoát nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) trong tỉnh Long An. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2021, Ban Thường vụ Hội LHPNVN tỉnh chọn thực hiện khâu đột phá giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo.

Tìm kiếm, giải quyết việc làm cho phụ nữ luôn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tỉnh quan tâm

Tìm kiếm, giải quyết việc làm cho phụ nữ luôn được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tỉnh quan tâm

Hàng ngàn phụ nữ nghèo thoát nghèo

Để có cơ sở đề ra giải pháp phù hợp, thiết thực hỗ trợ nữ chủ hộ nghèo thoát nghèo hàng năm, ngay từ đầu năm, Hội LHPNVN cơ sở chủ động rà soát, nắm chắc hộ nghèo do nữ làm chủ hộ tại địa phương. Cụ thể, năm 2017 có 6.278 hộ, năm 2018 có 5.655 hộ, năm 2019 có 4.778 hộ, năm 2020 có gần 4.000 hộ và năm 2021 là 3.244 hộ.

Trên cơ sở khảo sát, 100% hộ nghèo do nữ làm chủ hộ được các cấp Hội LHPNVN tiếp cận, phân tích, xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ. Qua đó, Hội có những chính sách, phương thức để hỗ trợ, giúp đỡ tiếp cận vốn sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hoặc xây tặng nhà tình thương,... Thông qua các hoạt động này, từ năm 2017 đến nay, Hội LHPNVN các cấp giúp gần 4.500 hộ nghèo do PN làm chủ hộ thoát nghèo (trung bình hàng năm giảm 18%).

Chị Nguyễn Thị Kim Băng (SN 1978, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, lại bị bệnh tật. Thấy vậy, Hội LHPNVN thị trấn giúp đỡ, xét cho chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng để chăn nuôi và buôn bán. Chị còn được Hội LHPNVN thị trấn tặng 1 xe nước mía để mưu sinh. Hiện nay, gia đình chị thoát nghèo và mở quán kinh doanh nước giải khát ở thị trấn. Ngoài ra, chị còn thuê thêm đất để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập nuôi người con lớn học đại học năm thứ 2, đứa con nhỏ học lớp 6.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tòng (SN 1977, ấp Hòa Hiệp 1, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) cũng từng là hộ nghèo. Cách đây vài năm, chị được Hội LHPNVN xã An Ninh Đông hỗ trợ một số vốn để mua 3 con bò sữa về nuôi. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, chị chăn nuôi thuận lợi. Thấy chăn nuôi bò sữa có thể mang lại giá trị kinh tế nên chị dần mở rộng quy mô đàn.

Nhiều phụ nữ là lao động chính trong gia đình (Ảnh minh họa)

Nhiều phụ nữ là lao động chính trong gia đình (Ảnh minh họa)

Hiện nay, đàn bò của gia đình chị lên đến 30 con. Mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình chị có thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Tòng còn gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của PN tại địa phương, đóng góp xây dựng xã nông thôn mới.

Nhiều cách đồng hành

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm đánh giá, khâu đột phá giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo là một chương trình ý nghĩa, thiết thực. Ngoài việc giúp được nhiều PN thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống còn thúc đẩy các phong trào, hoạt động của Hội LHPNVN thêm vững mạnh. Để khâu đột phá giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo được triển khai, thực hiện hiệu quả, Hội LHPNVN các cấp huy động nhiều nguồn lực để cho vay, hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình. Nổi bật như nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hiện có tổng dư nợ 1.688 tỉ đồng (trong đó, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 341 tỉ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 55 tỉ đồng.

Song song đó, trong thực hiện khâu đột phá, các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh còn phát động HV, PN tham gia tiết kiệm, tạo thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nguồn vốn từ mô hình Tiết kiệm tín dụng, góp vốn xoay vòng tại các chi, tổ, hội PN là 288 tỉ đồng, giúp hơn 185.000 lượt HV, PN mượn để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Nhiều phụ nữ ở huyện Đức Huệ đã thoát nghèo nhờ nuôi bò

Nhiều phụ nữ ở huyện Đức Huệ đã thoát nghèo nhờ nuôi bò

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng, khâu đột phá giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo nhận được sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của cấp Hội cơ sở với các ngành trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, quá trình thực hiện cũng nhận được sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các chương trình cho vay vốn.

“Bên cạnh sự đồng hành của tổ chức Hội, một điều quan trọng giúp HV, PN nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững chính là nhờ chị, em đều có ý chí, quyết tâm cao để vượt qua khó khăn” - bà Tuyết Hồng bày tỏ. Cùng với những kết quả đã đạt, quá trình thực hiện khâu đột phá vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều PN làm chủ hộ đã già yếu, tàn tật, neo đơn nên rất khó có khả năng thoát nghèo. Nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, kéo dài như thời gian qua.

"Đây cũng là trăn trở của các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh để có sự đồng hành giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời hơn trong thời gian tới” - Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Đức Huệ - Huỳnh Thị Phương Quyên chia sẻ./.

Qua thời gian thực hiện khâu đột phá, các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh phối hợp đào tạo nghề cho hơn 12.300 lao động nữ; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty trong và ngoài tỉnh cho hơn 36.500 lao động nữ; hỗ trợ gần 1.400 PN khởi sự kinh doanh; hỗ trợ hiện thực hóa gần 80 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập 7 doanh nghiệp nhỏ do PN làm chủ; hỗ trợ hơn 1.200 PN tiếp cận nguồn vốn để kinh doanh các ngành nghề với vốn hỗ trợ trên 43 tỉ đồng. Giai đoạn 2017-2021, các cấp Hội LHPNVN trong tỉnh trích kinh phí và vận động nhiều nguồn xã hội hóa trao tặng hơn 8.400 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; 59 chiếc xe lăn giúp đỡ các gia đình HV, PN nghèo, gặp khó khăn; hỗ trợ trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, bị thiên tai và thăm hỏi, tặng quà bộ đội, tân binh lên đường nhập ngũ, các gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 79 tỉ đồng; vận động xây dựng 727 mái ấm tình thương, 1 nhà tình nghĩa với tổng trị giá trên 34 tỉ đồng.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết