Tiếng Việt | English

04/09/2024 - 09:40

Quyết tâm cải cách hành chính

Với số điểm 77,21 trên thang điểm 100, Sở Công Thương xếp hạng 5 năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Long An năm 2023. Với quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính (CCHC) là đầu tư cho sự phát triển, Sở Công Thương tỉnh Long An đang tập trung nhiều giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS).

100% hồ sơ thủ tục hành chính đúng hẹn

Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng chia sẻ, với quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển, Sở đặc biệt quan tâm thực hiện, kịp thời xây dựng kế hoạch CCHC từng năm; đồng thời, tập trung làm rõ, khắc phục những hạn chế.

Trong quá trình thực hiện CCHC, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được nâng cao nhằm tập trung chỉ đạo quyết liệt khắc phục những hạn chế, nâng cao chỉ số CCHC gắn với thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan năm 2024.

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương ban hành nhiều kế hoạch thực hiện công tác CCHC liên quan đến nhiều nội dung như hoạt động kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC năm 2024; rà soát, đánh giá TTHC năm 2024; kế hoạch thực hiện CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Sở năm 2024; CĐS giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030; kế hoạch kiểm tra công vụ năm 2024; quyết định thành lập Tổ kiểm tra thực hiện công tác CCHC và kiểm tra công vụ năm 2024.

Bên cạnh đó, Sở đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, Sở niêm yết công khai các TTHC theo quy định tại bộ phận "một cửa" các cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong các lĩnh vực: Quản lý bán hàng đa cấp, xúc tiến thương mại, cụm công nghiệp, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của Sở.

Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng (bìa trái) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tốp đầu kết quả đánh giá DDCI tỉnh Long An năm 2023

Hiện nay, Sở tiếp nhận và giải quyết TTHC gồm 144 TTHC. Trong đó, số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở là 130 TTHC, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện là 13 TTHC, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã là 1 TTHC. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC trên hệ thống "một cửa" điện tử của tỉnh đạt 100%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở tiếp nhận 19.609 hồ sơ TTHC thực hiện theo cơ chế "một cửa", đã giải quyết trước hạn 17.691 hồ sơ, đạt 90,2%; 1.895 hồ sơ đúng hạn, đạt 19,7%; trong hạn 23 hồ sơ; không có hồ sơ trễ hạn.

Để đạt kết quả 100% hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn, Sở phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện niêm yết công khai bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Song song đó, Sở cũng công khai nội dung, địa chỉ phản ánh, kiến nghị về quy định và TTHC cho cá nhân, tổ chức theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP, ngày 14/2/2008; cập nhật TTHC được sửa đổi hoặc bổ sung tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện TTHC. Đồng thời, Sở duy trì nâng cao hiệu quả triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào giải quyết công việc đối với các TTHC. Sở cũng ban hành Chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng trong hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN).

Sở tăng cường rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Qua công tác rà soát, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ (2 TTHC), rà soát, đơn giản hóa 3 TTHC, trong đó giảm thành phần hồ sơ của 2 TTHC thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, cắt giảm thời gian giải quyết 1 TTHC thuộc lĩnh vực lưu thông hàng hóa trong nước,...

Chuyển đổi số để phục vụ người dân và DN

Xác định tầm quan trọng của CĐS, Sở triển khai mạnh mẽ các giải pháp CĐS trong các hoạt động nhằm tạo môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Theo đó, Sở đang triển khai hiệu quả công tác số hóa hồ sơ, kết quả trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Đặc biệt, Sở thúc đẩy triển khai sử dụng ứng dụng Long An Số bởi đây là kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, DN của tỉnh, là “điểm chạm” để người dân, DN tiếp cận với nhiều thông tin, dịch vụ số do chính quyền cung cấp; đồng thời, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, từng bước mở rộng phạm vi, lĩnh vực thực hiện trên Hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, DN.

Việc khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin đã được đầu tư, triển khai, đặc biệt là các hệ thống có quy mô quốc gia và ứng dụng dùng chung của tỉnh được Sở ứng dụng. Sở tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan nhà nước, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng theo quy định.

Sở Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh

Việc thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT), phát triển thương mại số, CĐS ngành Công Thương cũng được quan tâm thực hiện. Sở trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Long An năm 2024 với các nội dung: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT tỉnh Long An; hỗ trợ DN Long An tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín; xây dựng, triển khai kế hoạch điều tra, thống kê TMĐT; duy trì, phục hồi dữ liệu sàn giao dịch TMĐT; phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng tỉnh Long An; phần mềm quản lý kinh doanh xăng dầu trực tuyến tỉnh Long An.

Hiện nay, Sở ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban Quản trị phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc trưng tỉnh Long An, quyết định Về việc thành lập Ban Quản trị Sàn TMĐT tỉnh Long An (http://longantrade.com/); tiếp tục phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT duy trì phần mềm Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh Long An (https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn), triển khai cho các DN, hợp tác xã, đơn vị liên quan tham gia. Đến nay, có 23 DN đăng ký tham gia phần mềm truy xuất nguồn gốc (tăng 7 DN so với quí I/2024), xác nhận mã cho 47 sản phẩm, 3 lô sản xuất, số lần quét mã sản phẩm là 3.373. Triển khai đến các DN, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia Sàn TMĐT tỉnh Long An (http://longantrade.com/) kết nối với Sàn TMĐT hợp nhất của Bộ Công Thương (https://sanviet.vn/), đến nay, có 68 gian hàng tham gia sàn với 265 sản phẩm (tăng 34 gian hàng và 136 sản phẩm so với quí I/2024). Số lượng giao dịch trên Sàn TMĐT Postmart là 3.827 giao dịch.

Sở cũng phối hợp các DN công nghệ số trên địa bàn tỉnh (Viettel, VNPT,...) triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, Mobile Money; mời DN tham gia Đoàn xúc tiến TMĐT xuyên biên giới tại Nhật Bản; đề nghị Cục Thống kế phối hợp khảo sát, điều tra, thống kê DN ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2024; cung cấp thông tin tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT và sở hữu sàn giao dịch TMĐT; triển khai DN đăng ký tham gia Đề án “Hỗ trợ DN Long An tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín”.

Theo ông Huỳnh Văn Quang Hùng, với kết quả CCHC của Sở, chỉ số DDCI của tỉnh năm 2023, người dân, DN ghi nhận những thay đổi tích cực trong đơn giản hóa quy trình thực hiện và cắt giảm TTHC. Tuy nhiên, để cải thiện chỉ số DDCI, quy trình thực hiện TTHC, Sở tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các TTHC, hỗ trợ người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến; công bố, công khai danh mục TTHC theo đúng thẩm quyền; đồng thời, thực hiện số hóa hầu hết hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Hiện Sở đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tích cực hỗ trợ người dân, DN thực hiện TTHC đúng quy trình, tránh phải sửa hồ sơ nhiều lần, ảnh hưởng đến chi phí và thời gian. Sở tiếp tục phối hợp các cơ quan, địa phương giải quyết các thủ tục liên quan người dân, DN một cách nhanh chóng, tránh trường hợp chờ đợi kéo dài, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và cơ hội sản xuất, kinh doanh, đầu tư của DN./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết