Năm 2024, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Cung ứng tốt hàng hóa dịp tết
Năm 2023, ngành Công Thương tỉnh triển khai nhiệm vụ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động ngành Công Thương vẫn đạt kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 5,77%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Ngay từ đầu năm 2024, Sở Công Thương chủ động lên kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình công tác năm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng, thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp DN kinh doanh, phân phối trên địa bàn tỉnh cung ứng tốt hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ở các địa phương.
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nguồn hàng hóa trên thị trường dồi dào; mẫu mã và chủng loại hàng hóa đa dạng. Đặc biệt, hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam chiếm ưu thế hơn 90%. Năm nay, hàng hóa sản xuất tại Long An (hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương,...) được nâng cao chất lượng, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, được tiêu thụ khá tốt.
Đối với hàng bách hóa, các DN thương mại dự trữ khoảng 1.400 tỉ đồng (chưa bao gồm các chợ truyền thống), tăng khoảng 15% so với Tết Nguyên đán năm 2023. Đối với lương thực, trên địa bàn tỉnh có 25 DN tham gia xuất khẩu gạo (tồn kho khoảng 218.000 tấn gạo và 30.000 tấn nếp).
Các DN này còn duy trì 10.000 tấn gạo thơm, 5.000 tấn gạo thông dụng để bán lẻ, cung cấp cho thị trường tết với giá tương đối ổn định. Riêng các loại thịt như thịt heo, bò, gà, vịt,... không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Năm 2024, kế hoạch phát triển ngành Công Thương tỉnh được xây dựng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức và thuận lợi đan xen. Mục tiêu chung của ngành là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp và thương mại ổn định, bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu công nghiệp - thương mại theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030; Phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp - thương mại đồng bộ, hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của tỉnh năm 2024 như Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 77.000 tỉ đồng, tăng 12% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,5 tỉ USD, tăng 8,69% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,4 tỉ USD, tăng 25,5% so cùng kỳ.
Trên địa bàn tỉnh có 72 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch với tổng diện tích 1.808ha. Đến nay, có 17 CCN với diện tích 857ha đã đưa vào hoạt động, thu hút 646 dự án với tổng diện tích đất cho thuê hơn 603ha. Tỷ lệ lấp đầy của các CCN hoạt động 83,6%.
Hiện nay, có 400 DN đang hoạt động với số lượng lao động khoảng 29.000 người. Hiện nay, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh năm 2024 và triển khai, tổ chức thực hiện phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Sở tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc trong triển khai dự án CCN, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng CCN, giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư thứ cấp trong CCN; chủ trì hướng dẫn huyện và các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết để đầu tư hạ tầng các CCN mới được phê duyệt trong quy hoạch.
Trên lĩnh vực năng lượng, Sở Công Thương xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch điều hành cung ứng điện năm 2024; đồng thời, phê duyệt danh sách khách hàng quan trọng năm 2024; hỗ trợ DN phát triển hạ tầng điện, ưu tiên đầu tư các công trình quan trọng đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là cung cấp điện cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận động DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Long An I và II tại huyện Cần Giuộc và các dự án điện.
Ở lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN thông qua Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài, Đề án Tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Long An, Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025; kế hoạch phát triển logistics.
Song song đó, Sở Công Thương cũng tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường cho các DN trong khu công nghiệp - CCN; xây dựng Kế hoạch thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024; triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng và triển khai, thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Long An năm 2024, Kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2024, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP thay thế Kế hoạch số 99/KH-UBND phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế hiện nay./.
Mai Hương