Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (thứ 5, trái qua) và Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út (thứ 3, trái qua) cùng các ngành khảo sát thực tế tại dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM
Tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng
Thông tin từ Sở GTVT, DA Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An. DA được chia 8 DA thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng. Đoạn qua địa bàn tỉnh gồm 2 DA thành phần 7 và 8. Trong đó, DA thành phần 7 - xây dựng Đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh có điểm đầu giao với DA thành phần 1, TP.HCM, điểm cuối giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TP.HCM - Trung Lương, phạm vi đầu tư xây dựng 6,37km với tổng mức đầu tư 3.040 tỉ đồng. Còn DA thành phần 8 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) với phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) 6,84km, tổng mức đầu tư 1.168 tỉ đồng. Khi DA hoàn chỉnh, tuyến đường có 8 làn xe cao tốc, đường song hành 2 bên. Đây là DA giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tỉnh mà còn đối với cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối hành lang đô thị, công nghiệp giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Để chuẩn bị tốt nhất cho DA, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Chính phủ quyết định triển khai DA, từ đầu tháng 7/2022, Sở GTVT phối hợp UBND huyện Bến Lức, đơn vị tư vấn và các địa phương có liên quan tổ chức tiếp nhận ranh GPMB ngoài thực địa. Đến nay, UBND huyện Bến Lức ban hành 319 thông báo thu hồi đất cho các trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó, xã Mỹ Yên 50 hộ, xã Tân Hòa 24 hộ và xã Tân Bửu 245 hộ. Đồng thời, đến giữa tháng 10/2022, UBND huyện Bến Lức tổ chức họp dân để công bố chủ trương đầu tư và trao thông báo thu hồi đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Huyện Bến Lức đang nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi, đối với DA Đường Vành đai 3 TP.HCM, huyện thực hiện xong việc kê biên, kiểm đếm thực tế được 380 hộ, tăng 61 hộ so với ban đầu trên diện tích 43,33ha. Riêng phần mở rộng nút giao với Đường tỉnh 830C đã bàn giao ranh mốc GPMB, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường đang triển khai công tác đo đạc để kê biên bổ sung theo quy định. “Hiện nay, đơn vị thẩm định giá đã thẩm định giá đất dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt hệ số điều chỉnh và chính sách bồi thường ngay trong tháng 02/2023. Đến đầu tháng 3/2023, huyện sẽ tổ chức họp dân lấy ý kiến dự thảo phương án bồi thường và từ cuối tháng 3/2023 đến ngày 15/4/2023 sẽ phê duyệt phương án bồi thường, ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ của từng hộ gia đình, cá nhân để chi trả bồi thường. Dự kiến đến tháng 6/2023, huyện sẽ bàn giao mặt bằng để khởi công DA” - ông Trần Văn Tươi khẳng định.
Theo kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 bố trí cho dự án là 2.555,954 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương cho dự án thành phần 7 là 1.679,954 tỉ đồng và dự án thành phần 8 là 876 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương cho dự án thành phần 7 là 178 tỉ đồng và dự án thành phần 8 là 292 tỉ đồng. Năm 2023, vốn bố trí cho dự án là 1.304 tỉ đồng. |
Quyết tâm đến tháng 6/2023 khởi công dự án
Thông tin từ Sở GTVT, với quyết tâm lớn của ngành Giao thông, đến nay, các mốc tiến độ thực hiện DA Đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, yêu cầu của Chính phủ như hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh lại báo cáo để Bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định phê duyệt. Đồng thời, công tác lập thiết kế kỹ thuật cũng được các đơn vị bảo đảm theo kế hoạch.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với tỉnh khi thực hiện DA là nguồn vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho DA hiện khan hiếm do trên phạm vi cả nước đồng loạt triển khai nhiều DA giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc phía Đông, DA Sân bay Long Thành, đặc biệt là nguồn cát đắp nền. Trong khi đó, việc triển khai, thực hiện các hồ sơ, thủ tục để khai thác mỏ gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư và Luật Đất đai. Để bảo đảm tiến độ DA, Giám đốc Sở GTVT - Đặng Hoàng Tuấn cho biết: “Sở chủ động đề nghị tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long hỗ trợ bảo đảm cung cấp nguồn cát san lấp.
Đối với nguồn vật liệu đá, tỉnh cũng liên hệ với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để đề nghị hỗ trợ. Riêng đối với nguồn vật liệu đất để đắp lề đường, Sở có kế hoạch phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát các hầm đất, bảo đảm đủ nguồn đất cung cấp phục vụ DA. Chúng tôi cam kết với Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như với Chính phủ nỗ lực bảo đảm đúng tiến độ đến tháng 6/2023 sẽ khởi công DA Đường Vành đai 3 TP.HCM, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc và hoàn thành toàn bộ DA vào năm 2026”./.
Tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến đường huyết mạch, quan trọng không chỉ đối với tỉnh mà còn đối với cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đối với dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng ngay trong quí II-2023 để khởi công dự án. Đối với một số khó khăn hiện nay, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trong thời gian sớm nhất. Riêng đối với tỉnh, ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, tỉnh sẽ tìm giải pháp từ các nguồn thu ngân sách tăng thêm, nguồn vốn từ phát triển quỹ đất để tập trung bố trí vốn, bảo đảm đủ nguồn vốn cho dự án theo đúng yêu cầu của Chính phủ”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được
|
Kiên Định