Tiếng Việt | English

20/10/2023 - 07:32

Sẵn sàng 250.000m3 cát để thi công đường Vành đai 3, đoạn qua Long An

Hiện nay, dự án đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An đang được thực hiện thi công cơ bản bảo đảm theo kế hoạch. Các nhà cung cấp đã ký hợp đồng cung ứng với khối lượng khoảng 250.000m³ để thực hiện dự án, tương đối đáp ứng được cho nhu cầu trong năm 2023.

Dự án đang được thi công cơ bản bảo đảm theo kế hoạch

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An có 02 dự án thành phần. Dự án thành phần 7 xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An với tổng mức đầu tư 3.040 tỉ đồng. Dự án thành phần 8 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Long An với tổng mức đầu tư 1.168 tỉ đồng.

Đến nay, tỉnh Long An đã cơ bản hoàn thành so kế hoạch các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022.

Cụ thể, dự án thành phần 7 đã giải ngân 227,744/309 tỉ đồng, đạt 73,7% kế hoạch vốn đã bố trí. Trong đó, vốn Trung ương đã giải ngân đạt trên 96%, vốn địa phương đã giải ngân đạt 36,40%. Dự án thành phần 8 đã giải ngân 862,40/995 tỉ đồng, đạt 86,67% kế hoạch vốn đã bố trí. Trong đó, vốn Trung ương đã giải ngân đạt 100%, vốn địa phương chưa giải ngân.

Trong thời gian tới, dự án thành phần 8 sẽ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc của người dân kiến nghị, đẩy nhanh công tác hoàn thiện khu tái định cư để bàn giao diện tích mặt bằng phần còn lại, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng đến tháng 12/2023.

Đối với dự án thành phần 7, tập trung thi công và giải ngân theo đúng tiến độ; phấn đấu cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc trong tháng 10/2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, tỉnh Long An không có mỏ cát, đá xây dựng nên phải đi mua từ các tỉnh lân cận. Riêng mỏ đất, qua khảo sát tại vị trí huyện Bến Lức (gần khu vực tuyến đường Vành đai 3) không đạt theo tiêu chuẩn thiết kế. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà tại Thông báo số 378/TB-VPCP ngày 14/9/2023 tại cuộc làm việc về bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải khu vực ĐBSCL, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải chủ động tìm nguồn thay thế.

Ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết, đến nay các nhà thầu đã tìm được các mỏ cát khác nằm trong khu vực miền Tây như các mỏ trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long với trữ lượng khoảng 700.000m3 và một số mỏ thuộc tỉnh Đồng Tháp (chưa đóng) để tạm thời thay thế các mỏ có trữ lượng lớn thuộc tỉnh Đồng Tháp và An Giang đang bị đóng mỏ. Theo báo cáo của các nhà thầu thì các nhà cung cấp đã ký hợp đồng cung ứng với khối lượng khoảng 250.000m3 cát, tương đối đáp ứng được cho nhu cầu thi công trong năm 2023.

Tuy nhiên, do phía Nam các dự án cao tốc đang đồng loạt triển khai thi công, các mỏ thuộc địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện cơ chế giao mỏ cho các nhà thầu thi công hoặc chỉ được cung cấp cho các dự án cao tốc, do đó nguồn cung về vật liệu cát cho dự án Vành đai 3 không nằm trong danh mục được ưu tiên cung cấp sẽ có nguy cơ thiếu hụt và không đáp ứng theo tiến độ thi công.

Ngoài ra, vật liệu của dự án sử dụng đất chọn lọc đáp ứng theo tiêu chuẩn đất đắp nền đường cao tốc thì tại tỉnh Long An sau khi kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý nhận thấy chỉ số trương nở và CBR của đất không đáp ứng theo tiêu chuẩn nên không sử dụng được. Do đó, phải mua từ các tỉnh lận cận như Đồng Nai, Bình Dương vận chuyển về đắp dẫn đến không chủ động được nguồn cung cấp. 

Cùng thời điểm, tỉnh Long An cũng đang triển khai thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Đường tỉnh 830E (trùng với đường Vành đai 4 TP.HCM), Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM) kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM. Theo tính toán các dự án nêu trên cần khoảng 1,4 triệu m3 cát để đắp nền đường (trong đó nhu cầu năm 2023 khoảng 600.000m3 và năm 2024 khoảng 800.000m3).

Từ những khó khăn này, mới đây, tỉnh Long An kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành Tiêu chuẩn về việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ngay sau khi có kết quả đoạn thí điểm tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ các vướng mắc để bảo đảm nguồn cung cấp cát cho dự án đường Vành đai 3.

Tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ trong công tác đánh giá chất lượng đất đắp bao cát đắp nền đường để tỉnh chủ động được nguồn đất tại địa phương. Mặt khác, UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang hỗ trợ giới thiệu và đưa vào danh mục các mỏ cát còn trữ lượng được phép cung cấp cho dự án đường Vành đai 3 TTP.HCM và các dự án trọng điểm của tỉnh mang tính liên kết vùng như Đường tỉnh 830E (trùng với đường Vành đai 4 TP.HCM) và Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP.HCM)./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích