Tiếng Việt | English

03/11/2019 - 18:09

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Chuẩn hóa tạo tính hấp dẫn

Tiêu chuẩn giúp kiểm soát chất lượng, quản lý toàn diện, thiết lập được các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống canh tác đang ngày càng được thế giới quan tâm, nhất là khi tình hình an ninh lương thực dù đã được đảm bảo nhưng lại nảy sinh nhiều vấn đề về chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm. Với phương thức canh tác hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất và các nguồn hữu cơ được tái sử dụng một cách triệt để, nông nghiệp hữu cơ và những sản phẩm của nó đang là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp hữu cơ chưa tạo thu nhập hấp dẫn

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam thời gian qua đa phần còn mang tính tự phát, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ nên khó có thể phát triển ổn định, bền vững. Theo ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, hiện nay nhiều nông dân vẫn chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nguyên nhân là do sức hấp dẫn về thu nhập từ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được chứng minh.

“Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Ngoài ra, sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón tổng hợp, áp dụng kỹ thuật cao cũng như các quy trình kiểm soát khắt khe, thị trường tiêu thụ lại chưa được cam kết. Đặc biệt, chi phí sản xuất lớn nhưng năng suất không cao đang là những rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ”, ông Hưng nhận định. 

Ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam
Mặc dù vậy, ông Hưng vẫn cho rằng, để hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, các nhà quản lý đã và đang đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó phải kể đến Bộ tiêu chuẩn Quốc gia  (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ, bởi đây chính là công cụ giúp đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ môi trường. Hơn thế, TCVN sẽ tạo sự minh bạch, công khai, không phân biệt đối xử và không gây trở ngại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của DN. 

“Đối với các DN, bộ tiêu chuẩn này giúp kiểm soát chất lượng, quản lý toàn diện, thiết lập được các quy trình sản xuất, các thủ tục liên quan cho mỗi quy trình. Quan trọng hơn, các quy định về tiêu chuẩn quốc gia giúp DN kịp thời phát hiện những sản phẩm không đạt yêu cầu. Đồng thời giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của khách hàng”, ông Hưng cho biết. 

Đứng ở vị trí của người tiêu dùng, ông Trần Văn Học, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian qua, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, nhiều hoạt động đã được thúc đẩy từ phía nhà quản lý. Người tiêu dùng đang đòi hỏi ngày càng cao đối với thực phẩm sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường cũng như chất lượng sản phẩm.

Bởi vậy, DN cần thiết phải thúc đẩy các hành động tự nguyện như tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, quản lý rủi ro trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ trang trại đến bàn ăn cũng như tuân thủ các hoạt động và thực hành kinh doanh bền vững và đạo đức khác.

Sản phẩm cần phong phú hơn

Để nâng cao giá trị cũng như mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ông Học cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý cho người tiêu dùng liên quan đến việc xác định, lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khoẻ của chính họ.

“Người tiêu dùng cũng cần được giáo dục để có thể tìm kiếm thông tin liên quan, nhận biết và chấp nhận các tiêu chuẩn, đọc nhãn và logo, thông báo về các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm mỗi khi nhìn thấy chúng”, ông Trần Văn Học lưu ý.

Thời gian qua, Tổ chức Người tiêu dùng Quốc tế  (Consumers International - CI) đã tiến hành nhiều khảo sát đối với người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tại Việt Nam, khi tiến hành khảo sát 150 người tiêu dùng ở Hà Nội và TP HCM kết quả cho thấy, có đến 88% người tiêu dùng cho rằng, chứng nhận nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm hữu cơ là yếu tố quan trọng nhất khi họ đưa ra quyết định mua, tiêu dùng thực phẩm cho gia đình.

“Điều mà phần lớn người tiêu dùng Việt mong muốn hiện nay là ngày càng có nhiều sản phẩm hữu cơ, sản phẩm phong phú hơn để có thể lựa chọn theo nhu cầu, thị hiếu của mình. Số ít người quan tâm đến giá cả, chủ yếu là chất lượng và độ đa dạng”, ông Học nhận định. 

Ngày càng có nhiều DN tham gia vào thị trường nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ
Là đại diện doanh nghiệp đã có nhiều năm tham gia thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eco Footprint cho biết, với tôn chỉ kinh doanh xanh, sạch, thân thiện với môi trường, doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm và phát triển đa dạng các sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với tiêu chí thân thiện với môi trường, an toàn với con người, góp phần nâng cao dân trí nông nghiệp, từ đó nâng cao sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

“Để sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ từng bước có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam, ngoài việc có các cơ chế chính sách mang tính định hướng, các DN hoạt động trong lĩnh vực này rất cần thiết có 1 sân chơi chung để kết nối, giao thương và chia sẻ những sản phẩm tốt, nhân rộng và quảng bá sản phẩm chất lượng để người nông dân biết, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn trên thị trường”, ông Minh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm và có xu hướng sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hơn lúc nào hết các cơ quan quản lý cùng các DN trong lĩnh vực này cần nắm bắt để đưa ra thị trường ngày càng nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm hữu cơ, sạch, an toàn. Do đó, các DN sản xuất cần hướng đến nhu cầu này để cung ứng ra thị trường những sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng hiện nay./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết