Tiếng Việt | English

29/11/2022 - 22:10

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của xã hội

Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Long An tổ chức dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế địa phương, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất

Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2011-2020 (gọi tắt là Đề án 1956) đã kết thúc. Gần 57.000 LĐNT đã được hỗ trợ học nghề, trong đó, trên 53.000 người tốt nghiệp, học viên có việc làm trên 87%. Đặc biệt, Đề án 1956 giúp trên 650 người thuộc diện hộ nghèo tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo. Hiện nay, các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần giúp các địa phương nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và hoàn thành chỉ tiêu trong XDNTM.

Theo đó, hàng năm, các địa phương tiến hành điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của LĐNT, sau đó căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất các cấp, các ngành mở các lớp đào tạo nghề phù hợp. Cụ thể, thực hiện Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề gắn với 4 cây (chanh, thanh long, lúa, rau) và 2 con (bò, tôm).

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Long An - Lê Quốc Hùng cho biết: “Thời gian qua, trường phối hợp các địa phương mở nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như lớp kỹ thuật trồng rau an toàn; trồng lúa; nuôi và phòng trị bệnh trên trâu, bò; trồng thanh long theo hướng VietGAP; nuôi và phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng;... LĐNT có việc làm sau học nghề trên 85% (chủ yếu người lao động tự tạo việc làm). Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập”.

Xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc là địa phương thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trên cây rau. Nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại và ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, xã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho tất cả đối tượng là nông dân.

Chị Huỳnh Thị Bích Thủy (xã Phước Lâm) chia sẻ: “Nhờ tham gia lớp kỹ thuật trồng rau an toàn, tôi biết được cách ủ phân hữu cơ, các bệnh thường gặp trên rau và cách phòng trị. Đặc biệt, tôi còn biết không phải khi rau xuất hiện sâu là phun thuốc mà còn căn cứ vào tình hình thực tế như thiên địch nhiều hơn dịch hại thì từ từ phun thuốc hoặc phun thuốc bằng chế phẩm tỏi, ớt giã nhuyễn,... Qua đó, tôi giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác và hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường”.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Những năm qua, ngành Lao động luôn định hướng cho các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường đào tạo nghề cho LĐNT theo nhu cầu của thị trường và thực tế sản xuất. Ngoài ra, ngành còn yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên; cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy sinh động và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của xã hội.

Đề án 1956 đã kết thúc nhưng hiện nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được lồng ghép vào việc thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM, NTM nâng cao. Do đó, ngành cùng các địa phương luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo theo tiêu chí XDNTM. Đến nay, lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 32%"./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết