Tiếng Việt | English

21/07/2016 - 09:19

Sáng ngời truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Trở về với thời bình, nhiều chiến sĩ vẫn mang trên mình những vết thương của một thời khói lửa, mưa bom. Tuy nhiên, họ vẫn kiên cường đấu tranh trên mặt trận sản xuất để trở thành những thương binh làm kinh tế giỏi. Từ đó, họ lại tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Hồng Hải vui cùng con cháu

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hồng Hải, ngụ ấp Bằng Lăng, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh là hình ảnh một ông nông dân đầy lạc quan, yêu đời và rất tâm huyết với công tác từ thiện. Dù ông Hải bước sang tuổi lục tuần nhưng những kỷ niệm thời tuổi trẻ không thể mờ phai.

Ông kể cho chúng tôi nghe rất rõ từng chi tiết về những câu chuyện gắn liền với ký ức của một thời khói lửa: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha tôi là ông Nguyễn Văn Luyện, tham gia cách mạng năm 1945 và được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1970, tôi tham gia cách mạng thuộc đơn vị C419 - Khu 8. Trong quá trình tham gia kháng chiến, tôi bị thương nhiều lần. Đặc biệt, tôi bị thương nặng nhất là khi chống giặc càn tại vùng Tà Nốt, tỉnh Svay Rieng, Campuchia, trong trận đó, tôi và đồng đội tiêu diệt 2 xe tăng và hơn 100 quân ngụy. Năm 1977, tôi xuất ngũ do sức khỏe giảm”.

Trước năm 1975, ông Hải có tình cảm với bà Đặng Thị Hà nhưng trong cảnh nước mất, nhà tan, ông Hải và bà Hà hẹn đến khi đất nước không còn bóng quân thù thì kết hôn. Sau khi hòa bình, năm 1976 - đúng như lời hẹn ước, ông bà kết hôn. Bà Hà cho biết: “Lúc mới cưới, vợ chồng tôi không có ruộng đất, phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Biết được hoàn cảnh gia đình, đồng đội trong Quân khu 9 góp vốn giúp gia đình mua được 4.000m2 đất. Từ đó, cuộc sống gia đình tạm ổn định. Năm 1987, Tỉnh ủy Long An có chủ trương đi khai hoang, phục hóa tại vùng Đồng Tháp Mười, gia đình tôi tích cực đi khai hoang vùng đất mới. Hiện tại, gia đình có 8ha đất trồng lúa”.

Hàng năm, Tân Thạnh chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi. Từ đó, nông dân luôn thấp thỏm lo âu khi gieo sạ vụ ba, nhưng đến vụ Đông Xuân lại phải lo bơm nước để kịp thời gian gieo sạ. Thế nên, ông Hải chủ động đầu tư 4 trạm bơm điện với kinh phí trên 3 tỉ đồng. Nhờ có trạm bơm điện, nông dân an tâm sản xuất và ít tốn chi phí. Ngoài ra, gia đình ông còn mạnh dạn đầu tư mua 2 chiếc máy cày nhằm giảm chi phí cho gia đình và có thêm thu nhập.

Quyết tâm “nuôi chữ” cho con

Ông Hải, bà Hà sinh được 5 người con. Lúc trước, khi kinh tế gia đình khó khăn nhưng ông bà vẫn quyết tâm “nuôi chữ” cho con. Hiện tại, 3 người con đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; 2 người con ở nhà làm kinh tế. Bà Hà cho biết thêm: “Nhà nghèo, cho các con đi học ai cũng “cười”. Nhiều lúc, các con đi học ở xa về thăm nhà rất mừng nhưng cũng rất lo, vì không có tiền cho các con đi học tiếp. Tuy nhiên, vợ chồng tôi tự nhủ cố gắng cho các con đi học để có nghề nghiệp, tự lo cho bản thân. Đáp lại sự vất vả của cha mẹ, các con học rất giỏi nên ra trường có việc làm ổn định”.

Nhiều năm liền, ông Hải không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh mà còn là mạnh thường quân đắc lực ở địa phương. Hàng năm, gia đình ông đóng góp trên 30 triệu đồng tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi,... Năm 2011, xã Tân Ninh phát động phong trào xây dựng xã nông thôn mới, ông chủ động hiến 900m2 đất làm đường giao thông thôn và vận động nhân dân cùng tham gia.

Ông Hoàng Văn Hồng, ngụ xã Tân Thành cho biết: “Gia đình chú Hải rất có uy tín ở địa phương và được nhiều người quý mến. Hiện tại, chú Hải đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động nông thôn. Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chú tích cực giúp đỡ. Vừa qua, gia đình chú vận động xây dựng 1 căn nhà đồng đội trị giá 30 triệu đồng cho 1 cựu chiến binh đang gặp khó khăn về nhà ở”.
Chiến tranh lùi xa về quá khứ nhưng thương binh Nguyễn Hồng Hải vẫn tiếp tục đấu tranh trên mặt trận sản xuất và lao động. Vì vậy, ông được tỉnh Long An cử tham gia đoàn đại biểu đi dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc năm 2016 tại Cần Thơ./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết