Hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng
Từ đầu năm 2017 đến nay, tại 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc liên tục xảy ra các vụ sạt lở dọc theo tuyến kênh Nước Mặn, huyện Cần Đước và khu vực ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.
Khu vực kênh Nước Mặn, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tình trạng sạt lở vẫn diễn biến phức tạp, khó lườngTheo Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước - Trương Thị Lệ Chi, tình trạng sạt lở dọc theo tuyến kênh Nước Mặn diễn biến khó lường. Mới nhất, ngày 11/7/2017, gia đình ông Trà Văn Khôi, ngụ ấp Long Hưng, đang ngủ thì toàn bộ đất và nhà ở, tài sản phía sau với diện tích khoảng 80m2 bất ngờ bị lọt xuống sông, ước thiệt hại gần 70 triệu đồng. Rất may, không thiệt hại về người. Còn tại khu vực ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, từ đầu năm đến nay xảy ra 1 vụ sạt lở lớn làm 5 ngôi nhà ven sông Cần Giuộc bị sụp lún nghiêm trọng. Bà Lê Thị Kim Loan,ngụ ấp 4, xã Long Hậu, cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng, nhà vừa sửa xong lại lún, nứt. Mới cách đây gần 4 tháng, 3 ngôi nhà liền kề bị nứt phần dưới và còn nguyên các công trình phụ thì nay, tất cả đểu bị sụp xuống sông. Chúng tôi phải đóng tạm sàn gỗ phía dưới để sử dụng nhưng không biết duy trì được bao lâu”.
Bên cạnh khu vực ấp 4, xã Long Hậu, một số khu vực khác trong huyện Cần Giuộc cũng xảy ra sạt lở. Lúc 1 giờ, ngày 13/6/2017, tại khu vực ven sông Vàm Rạch Dừa, xã Phước Lại, xảy ra vụ sạt lở khiến ngôi nhà của gia đình bà Huỳnh Thị Kim Thoa biến mất hoàn toàn. Qua khảo sát, hiện khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở với các vết nứt dọc theo bờ sông ảnh hưởng trực tiếp đến 10 hộ dân quanh khu vực này. Gần đây nhất là ngày 23/8/2017, do ảnh hưởng của việc xả cống Trị Yên, 3 căn nhà trọ ven sông thuộc xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc bị nước cuốn trôi.
Nơm nớp lo sợ
Khu vực ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng sạt lở nặng nhất. Chị Nguyễn Thị Kim Liên cho biết: “Cách đây hơn 3 tháng, khi đang ngủ phía nhà dưới thì nghe tiếng "rắc rắc", tôi vội ôm con chạy lên nhà trên, chừng 10 phút sau thì toàn bộ phần nền phía dưới sụp luôn xuống sông”. Bà Nguyễn Thị Hai, 74 tuổi, vẫn còn nguyên tâm lý lo sợ: “Đêm ấy, nghe tiếng con la, tôi vừa lên tới nhà trên thì nhà dưới sụp lún hoàn toàn. Giờ, đêm nào ngủ, tôi cũng nơm nớp lo sợ!”. Tương tự, gia đình ông Đoàn Ngọc Điệp, bị mất hơn 40m2 đất do ảnh hưởng của sạt lở.
Nguy hiểm nhất hiện nay là gia đình bà Lê Thị Kim Loan, ngoài khu vực phía sau nhà bị sạt lở nghiêm trọng, hiện giữa nhà xuất hiện những vết nứt lớn, tường xây bị xé, nền nhà cũng bị nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. “Ngày nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ, cũng muốn di dời lắm nhưng chưa đủ điều kiện!” - bà Loan cho biết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức cho biết: “Ấp 4, xã Long Hậu là khu vực có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, nhất là đoạn từ cầu Rạch Dơi đến UBND xã. Mặc dù địa phương và người dân ra sức bồi đắp nhưng sạt lở vẫn xảy ra. Khu vực này có trên 60 ngôi nhà, trong đó có 6 ngôi nhà kiên cố, còn lại chủ yếu là nhà cấp 4 và nhà tạm. Đến nay, 100% số nhà này đều bị sạt lở từ 20-30% diện tích. Cá biệt, có nhiều nhà bị sạt lở lên đến 50%”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh (người đứng phía dưới) khảo sát khu vực sạt lở tại ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần GiuộcCòn tại khu vực kênh Nước Mặn, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tình trạng sạt lở dọc theo 2 bờ kênh cũng diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND xã Long Hựu Tây - Trương Thị Lệ Chi cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, sạt lở cướp đi khoảng 3ha đất và 12 ngôi nhà phải buộc di dời, 2 nhà khác bị sạt lở hoàn toàn. Hiện, tình trạng sạt lở vẫn diễn biến rất khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 100 hộ dân. Mong muốn của địa phương cũng như người dân nơi đây là Nhà nước sớm xây dựng bờ kè để người dân ổn định cuộc sống”.
Cần giải pháp lâu dài
Mong muốn của người dân cũng như các cấp chính quyền tại các khu vực sạt lở thuộc 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc là sớm được đầu tư xây dựng bờ kè.
Theo UBND xã Long Hậu, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm qua, địa phương nhiều lần kiến nghị các cấp có giải pháp lâu dài để người dân ổn định cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Long Hậu - Trần Văn Hoàng cho biết: “Từ năm 2012, UBND xã ra thông báo phạm vi nguy cơ sạt lở cao để người dân phòng ngừa; khu vực này, địa phương chỉ cho phép sửa chữa chứ không cho phép xây dựng các công trình mới nhằm phòng ngừa nguy cơ sạt lở cũng như bảo vệ tài sản của người dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động người dân di dời, bố trí tái định cư với giá ưu đãi cho các hộ này”.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức, hiện nay, huyện có phương án tái định cư nhằm di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở, tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí hỗ trợ nên người dân chưa thể di dời. “Qua theo dõi, đặc biệt từ 3-5 năm gần đây, tốc độ sạt lở ngày càng cao, người dân chỉ gia cố chằng chéo nhà cửa nhưng không hiệu quả, các giải pháp giải tỏa trắng để làm bờ kè chống sạt lở tốn rất nhiều kinh phí, UBND huyện nhiều lần kiến nghị tỉnh hỗ trợ nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Về các bước chuẩn bị cho việc di dời, tái định cư, hiện huyện làm việc với Công ty TNHH-TM-DV-XD Hoàng Hoa thống nhất dành 63 lô nền tái định cư với giá ưu đãi 5 triệu đồng/m2 cho các hộ dân ảnh hưởng bởi sạt lở và cho trả chậm trong 3 năm. Giải pháp trước mắt, kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để địa phương xây dựng những khu nhà tạm cho người dân trong khi chờ di dời” - ông Đức cho biết thêm.
Qua khảo sát tình hình sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh đề nghị địa phương cần có những giải pháp tạm thời nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, ông yêu cầu huyện Cần Đước, Cần Giuộc, các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải cần phối hợp để báo cáo chi tiết về tình trạng sạt lở hiện nay và bắt tay triển khai dự án bờ kè để khi có nguồn vốn là thực hiện ngay./.
Nhật Minh