Tiếng Việt | English

03/12/2020 - 17:11

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An làm việc với UBND Cần Đước về phát triển tôm nước lợ

Ngày 03/12, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh cùng ngành chuyên môn tỉnh làm việc với UBND huyện Cần Đước về việc phát triển tôm nước lợ đến năm 2025 và thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2021.

Bà Đinh Thị Phương Khanh đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án nuôi tôm công nghệ cao của huyện Cần Đước

Thời gian qua huyện rà soát, đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất tôm nước lợ, tiếp tục phát triển ổn định 1.400ha diện tích nuôi tại vùng trọng điểm nuôi tôm của huyện, giảm dần diện tích nuôi tôm tại các xã Phước Tuy, Phước Đông, Tân Lân, thị trấn Cần Đước do nằm trong quy hoạch phát triển khu cụm công nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi dần diện tích lúa kém hiệu quả các xã Long Hựu Đông, Phước Đông, Long Hựu Tây, Tân Ân, sang nuôi nuôi tôm nước lợ, bù lại diện tích sụt giảm do phát triển công nghiệp. 

Huyện có 8 tổ liên kết nuôi tôm và 1 hợp tác xã  nuôi tôm công nghệ cao. Huyện cũng tập trung khuyến khích Nhân dân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng.

Các ngành chuyên môn tỉnh, lãnh đạo huyện Cần Đước trao đổi khó khăn, hiện trạng về diện tích thực hiện các ô mẫu, mô hình, kết cấu hạ tầng, đường giao thông, điện và nguồn cấp thoát nước.

Cần Đước phát triển đề án nuôi tôm nước lợ đến năm 2025

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh đánh giá cao kết quả thực hiện Đề án nuôi tôm công nghệ cao của huyện và thông tin về Đề án phát triển tôm nước lợ tỉnh chủ trương đến 2025. Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại Cần Đước phải đạt 55ha.

Đồng thời, chỉ đạo huyện tiếp tục phát triển các điều kiện thuận lợi và rà soát những khó khăn trong thực hiện Đề án, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại các tỉnh khác. Phối hợp với tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện thí điểm 6 mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Nhân rộng các mô hình trình diễn nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao: Quy trình nuôi tôm siêu thâm canh trong điều kiện khép kín (nhà màng, nhà kính), ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi,…/.

Kim Thoa

Chia sẻ bài viết