Tiếng Việt | English

06/05/2020 - 16:38

Long An dành 1.244 tỷ đồng phát triển vùng nuôi tôm nước lợ

Mục tiêu năm 2020, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An là hơn 6.800 ha (200 ha nuôi theo công nghệ cao), sản lượng đạt trên 15.000 tấn với giá trị đạt trên 1.180 tỷ đồng.


Ao nuôi tôm nước lợ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, phấn đấu đưa ngành tôm phát triển bền vững.

Nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025 dự kiến là hơn 1.244 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương gần 588 tỷ đồng dùng để cải tạo nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tôm thí điểm, tập trung.

Nguồn vốn ngân sách tỉnh là 33,4 tỷ đồng dùng cho việc quan trắc, cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh, chuyển giao khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại.

Vốn huy động từ nguồn xã hội hóa hơn 624 tỷ đồng để tập trung cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng cơ sở nuôi tôm, mua con giống, thức ăn, máy móc thiết bị.

Mục tiêu năm 2020, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Long An là hơn 6.800 ha (200 ha nuôi theo công nghệ cao), sản lượng đạt trên 15.000 tấn với giá trị đạt trên 1.180 tỷ đồng.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ là 4.400 ha (nuôi tôm công nghệ cao 500 ha); sản lượng hơn 16.500 tấn với giá trị đạt trên 1.300 tỷ đồng.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả diện tích nuôi tôm nước lợ hiện có, kết hợp với tổ chức lại sản xuất dựa trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư nuôi theo hướng công nghệ cao để tăng vụ (3-4 vụ/năm), tăng năng suất, chất lượng, giá trị, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tỉnh đầu tư toàn diện vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để phát triển ngành tôm bền vững, tạo khối lượng sản phẩm lớn, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu trên, ngành chức năng sẽ tập trung quản lý về con giống, phối hợp với các viện, trường, doanh nghiệp để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tôm giống chất lượng cao; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất tôm giống không đảm bảo điều kiện theo quy định.

Trong nuôi tôm thương phẩm, sẽ tập trung ứng dụng công nghệ nuôi mới như Biofloc, nuôi tôm 2 giai đoạn, tuần hoàn tiết kiệm nước…; nuôi có điều kiện theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng, giá trị, tạo lập thương hiệu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

(Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Tỉnh tăng cường quản lý tổ chức sản xuất, vận động người dân thành lập Hội nuôi tôm nước lợ, các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu hỗ trợ người nuôi tôm các khâu trong chuỗi giá trị như: cung cấp con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu; liên kết vùng nuôi để tạo ra sản phẩm ổn định; thực hiện cấp mã số ao nuôi tôm để phục vụ truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu thủy sản.

Đồng thời, Long An sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ tại 56 vùng nuôi tôm nước lợ tập trung và 9 vùng nuôi dự kiến ứng dụng công nghệ cao (500 ha).

Các công trình hạ tầng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về hệ thống giao thông, điện, hệ thống cống cấp, tiêu nước…

Tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng 3 ô mẫu thí điểm nuôi tôm nước lợ trở thành các mô hình trình diễn, học hỏi kinh nghiệm và có thể học tập nhân rộng cho các vùng nuôi tập trung khác.

Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách về hỗ trợ con giống, ao lắng, vốn, đất đai, mặt nước… để thu hút các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển nuôi tôm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết