Huyện Bến Lức bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 443ha, đạt 110% kế hoạch (Trong ảnh: Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn huyện Bến Lức được địa phương phối hợp sở, ngành để giải phóng mặt bằng)
Đạt 101,97% kế hoạch
Xác định tầm quan trọng của công tác bồi thường, GPMB, tỉnh ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 748/KH-UBND, ngày 15/3/2022 về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU và Kế hoạch số 788/KH-BCĐGPMB, ngày 29/3/2023 về việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đây là căn cứ, cơ sở, điều kiện thuận lợi để các sở, ngành, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Hòa - Vũ Hồng Hạnh, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn huyện được tập trung thực hiện. Huyện ủy ban hành Chương trình số 07-CTr/HU về nâng cao hiệu quả trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC các dự án (DA) trên địa bàn huyện để tăng cường thực hiện. Qua đó, huyện đạt những kết quả nhất định trong công tác này. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 110 DA phải thực hiện GPMB với tổng diện tích thu hồi trên 7.016ha; có 23.134 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng. Trong đó, triển khai mới 5 DA với 1.473 hộ bị ảnh hưởng, diện tích 562,71ha; chưa triển khai, thực hiện là 7 DA với diện tích 332,99ha, 871 hộ bị ảnh hưởng; DA chuyển tiếp là 98 DA với 20.790 hộ bị ảnh hưởng, diện tích 6.120,31ha; đã triển khai, thực hiện hoàn thành 4 DA; thông báo chấm dứt hoạt động 12 DA có vốn ngoài ngân sách và đang tiếp tục thực hiện 82 DA với tổng diện tích 5.967,3ha; có 19.739 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Thông tin từ UBND huyện Bến Lức, địa phương lãnh, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện công tác bồi thường, GPMB và đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2023, huyện bồi thường, GPMB đạt trên 443ha, đạt 110% kế hoạch (năm 2023 400ha).
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Võ Minh Thành, công tác bồi thường, GPMB được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng các sở, ngành nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bồi thường, GPMB đối với sự phát triển KT-XH, qua đó tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai, thực hiện, nhất là các DA trọng điểm và các DA kéo dài nhiều năm. Thể chế chính sách về bồi thường, hỗ trợ TĐC bước đầu hoàn thiện, cơ bản phù hợp tình hình thực tế của tỉnh, tổ chức bộ máy làm công tác bồi thường, GPMB được kiện toàn, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng; các vướng mắc đối với một số DA cụ thể bước đầu được tháo gỡ, từ đó tiến độ bồi thường chuyển biến tích cực.
Từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh chi trả bồi thường được 1.440,61ha. Đặc biệt, năm 2023, các chỉ tiêu bồi thường, GPMB đạt kết quả tích cực, tỉnh chi trả được 945,83/927,57ha, đạt 101,97% (trong đó, DA đầu tư công 213,987ha; DA đầu tư ngoài ngân sách 731,843ha).
Tập trung các dự án trọng điểm
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út nhấn mạnh, huyện tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 25-NQ/TU của Tỉnh ủy và Chương trình số 10-CTr/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất. Trên cơ sở thực tế địa phương, huyện phấn đấu năm 2024 GPMB thêm 270ha đất sạch; chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề tồn đọng của các DA đang triển khai, các DA còn kéo dài; đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư triển khai DA đúng cam kết;...
Năm 2023, tỉnh bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt hơn 101,97% kế hoạch (Trong ảnh: Dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện Đức Hòa được hoàn thành, bắt đầu hoàn thiện hạ tầng, tiếp nhận đầu tư)
Ông Võ Minh Thành thông tin: Để công tác bồi thường, GPMB đạt hiệu quả hơn nữa, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành, UBND cấp huyện tập trung tham mưu đề xuất kế hoạch bồi thường năm 2024 sát với thực tế, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB cho các DA đầu tư công (đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh, Đường tỉnh (ĐT) 823D, ĐT830E, ĐT822B và các DA công trình trọng điểm của đại hội Đảng bộ cấp huyện); phối hợp chuẩn bị các thủ tục để tiến hành bồi thường DA đường Vành đai 4 TP.HCM, ĐT827E. Đối với các DA phát triển kinh tế tập trung bồi thường cho các DA khu, cụm công nghiệp (Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Khu công nghiệp Thủ Thừa,...) và tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với những DA tồn tại.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB 2 DA tạo quỹ đất sạch (DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí TĐC ĐT830E và phát triển khu đô thị; DA GPMB tạo quỹ đất sạch cặp ĐT826D (đoạn từ Vành đai 4 TP.HCM đến Rạch Dừa) để phát triển đô thị trên địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc và phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành bồi thường, GPMB, đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 DA này.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chấn chỉnh lại công tác định giá đất theo hướng có quy trình thống nhất và rút ngắn thời gian xác định giá đất; định giá đất bảo đảm theo giá thị trường của loại đất được công nhận, không theo quy hoạch, không để xảy ra tình trạng thu thập thông tin giá đất theo giá “ảo” của các đối tượng đầu cơ đất đai; công tác thẩm định giá phải tính trên mặt bằng chung của điều kiện phát triển KT-XH và tiếp nhận đầu tư của tỉnh./.
Sơn Quê