Ảnh minh họa
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số mang lại cho con người những trải nghiệm mới mẻ và tiện ích. Mạng xã hội (MXH) cũng theo đó mà phát triển, trở thành phương tiện truyền thông đắc lực, truyền tải các thông tin hay. Tuy nhiên, MXH là "con dao hai lưỡi". Khi nghiện MXH, sự tương tác trực tiếp giữa người và người ngày càng giảm, thay vào đó là những cuộc trò chuyện, tương tác với những người bạn ảo trên thế giới ảo.
MXH “can thiệp” vào việc nuôi dạy con, thay vì chỉ dạy, trò chuyện với con thì bây giờ, cha mẹ chỉ cần mở điện thoại, tìm chương trình hoạt hình hay đưa cho con ngồi xem một mình rồi quay lại với công việc của bản thân. Trẻ em cũng vì vậy không được trò chuyện, chia sẻ nhiều với cha mẹ dẫn đến thiếu thốn tình cảm gia đình và sự quan tâm, chăm sóc. Trẻ em thiếu sự quản lý mà tự do tiếp xúc với MXH, chìm đắm vào công nghệ sẽ giảm khả năng giao tiếp, hạn chế kỹ năng xã hội dẫn đến xu hướng sống khép mình, thờ ơ với mọi người, tăng nguy cơ bị tự kỷ.
Giờ đây, sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi, gia đình vẫn quây quần bên bữa cơm nhưng có người vừa ăn lại vừa “dán mắt” vào màn hình điện thoại. Các cuộc trò chuyện, hỏi han nhau ít dần đi, sự lắng nghe, chia sẻ để hiểu nhau hơn cũng trở nên thưa thớt. Họ ít khi tâm sự với nhau về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống mà tìm đến MXH để trút tâm sự. Khi mỗi thành viên chìm đắm với MXH để kết nối với thế giới chứ không kết nối lẫn nhau sẽ ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
MXH mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống con người nhưng cũng không ít tác hại khó lường. Chúng ta nên sử dụng MXH một cách thông minh, cân bằng giữa thế giới mạng và thế giới thực để được sống trong môi trường vừa hiện đại, vừa tràn đầy tình thương yêu với gia đình và cộng đồng./.
Hi Hiên