Ngày càng khởi sắc
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa là căn cứ cách mạng vững chắc; nhân dân một lòng theo Đảng, không sợ gian khổ, hy sinh, che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn được thành lập tại làng Đức Hòa (nay thuộc ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân quyết tâm bám đất, giữ làng, đoàn kết thành một khối thống nhất, lập nhiều chiến công hiển hách trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Người dân xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Kết thúc chiến tranh, xã có 70 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 314 liệt sĩ và hàng trăm gia đình có công với cách mạng. Phát huy truyền thống của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, từng bước biến vùng trắng, hoang tàn sau chiến tranh thành làng quê ngày càng khởi sắc.
Các tuyến đường liên xã, liên ấp, ngõ xóm đều được bêtông hóa, cứng hóa. Nhiều ngôi nhà tường mọc lên. Xã đang thực hiện các giải pháp nhằm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.
Phấn khởi trước sự thay đổi của địa phương, ông Lê Văn Đực (ấp Nhơn Hòa 1) nói: “Tôi rất tự hào vì được sinh sống trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Những năm qua, được Nhà nước vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vay vốn làm ăn nên đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống đường giao thông được đầu tư xây dựng khang trang, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng”.
Thực hiện Chương trình đột phá “Phát huy và sử dụng hiệu quả hệ thống thủy lợi Phước Hòa gắn với Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 69 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 0,2%.
Bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa Thượng - Phùng Cẩm Loan cho biết: “Với quyết tâm khắc phục khó khăn, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đến nay, xã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực và khoác lên mình “chiếc áo mới”.
Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống người dân nâng cao là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của toàn dân”.
Vượt qua gian khó
Về xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, nhìn cảnh ruộng đồng, những ao nuôi tôm trù phú, xóm làng đông vui, khó có thể tưởng tượng nơi đây từng là vùng đất bị bom cày, đạn xới.
Ngày 16/8/1948, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng xe bọc thép và tàu chiến bao vây hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta đang trú đóng nơi đây. Tuy nhiên, âm mưu của chúng liên tiếp thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, phía dưới thì sình lầy, trên thì âm u, rậm rạp, khó tìm được lối ra nếu không thông thạo địa hình. Vì thế, chúng gọi nơi đây là Đám lá tối trời - vùng đất gắn liền với nhiều chiến tích lẫy lừng, căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh.
Vùng đất Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ với địa danh Đám lá tối trời được khoác lên "màu áo mới"
Theo lời kể của ông Phạm Văn Chưa (SN 1944, ngụ ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh), địa danh Đám lá tối trời là vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng, mục tiêu đánh phá ác liệt của địch do nằm ở vị trí chiến lược. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực phi thường, dân và quân Nhựt Ninh kiên cường bám đất, giữ làng đến ngày kháng chiến thành công.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, xã Nhựt Ninh có 304 liệt sĩ, 65 Mẹ Việt Nam Anh hùng và trên 500 gia đình có công với cách mạng. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo luôn được địa phương quan tâm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, nhất là từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương có những bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân được nâng cao.
Ngoài canh tác lúa, người dân còn nuôi tôm với diện tích 260ha. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/năm. Trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia. Xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
Từ năm 2020 đến nay, xã nâng cấp, mở rộng 19 công trình giao thông nông thôn, nạo vét 6 công trình thủy lợi, thi công 18 tuyến ống kéo nước sạch, tổng kinh phí trên 14 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp trên 3 tỉ đồng.
Đến nay, hộ dân sử dụng nước sạch của xã đạt 85%. Đường giao thông trục xã, ấp, ngõ xóm được bêtông hóa đạt chuẩn. Trên các trục đường chính đều được lắp đặt đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời và camera giám sát an ninh, trật tự, bảo đảm cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, an toàn.
Trường học tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ đều đạt chuẩn quốc gia
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Lê Văn Trường cho biết: “Nội bộ xã luôn đoàn kết, từng cán bộ, đảng viên tích cực phát huy vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Cấp ủy Đảng luôn bám sát cơ sở, gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Các công trình, phần việc liên quan đến người dân đều được công khai, minh bạch với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nên nhận được sự đồng thuận cao”.
Những vùng kháng chiến năm nào giờ đây chuyển mình mạnh mẽ, đầy sức sống. Kết quả ấy là “trái ngọt” từ sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực xây dựng địa phương ngày thêm giàu đẹp./.
Những vùng kháng chiến năm nào giờ đây chuyển mình mạnh mẽ, đầy sức sống. Kết quả ấy là “trái ngọt” từ sự chung sức, đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực xây dựng địa phương ngày thêm giàu đẹp. |
Ngọc Mận