Tiếng Việt | English

11/05/2020 - 09:38

Tai nạn lao động - nỗi đau còn đó

Chỉ vì một phút bất cẩn hay sự cố ngoài ý muốn, những người bị tai nạn lao động phải vĩnh viễn ra đi, người còn sống cũng mang thương tật suốt cuộc đời. Với người thân của họ, đó là nỗi đau dai dẳng, khó nguôi ngoai.

Tan nát một gia đình

Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày chị Phạm Thị Kim Nhung (SN 1985, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An) mất vì tai nạn lao động nhưng bà Nguyễn Thị Thê (mẹ chị Nhung) vẫn không kìm được nước mắt mỗi khi nghe ai đó nhắc đến tên con gái và hai đứa cháu ngoại. Bà Thê nghẹn ngào kể: “Nhung là đứa con hiếu thảo, lễ phép và siêng năng. Nó ra đi quá đột ngột, bỏ lại hai đứa con thơ dại, không ai chăm sóc. Kể từ ngày vợ mất, chồng nó buồn, rượu chè bê tha, không quan tâm hai đứa con. Thấy vậy, tôi đem cháu ngoại về nuôi”.

Bà Nguyễn Thị Thê lo lắng nhất là khi mình mất đi, hai đứa cháu ngoại không biết nương tựa vào ai

Chị Nhung bị té ngã từ trên cao khi đang làm phụ hồ. Chị ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, bỏ lại 2 đứa con thơ dại - Nguyễn Phạm Thanh Trà (hơn 1 tuổi) và Nguyễn Phạm Hữu Phước (7 tuổi). Những ngày chị Nhung mới mất, hàng đêm, cháu Thanh Trà luôn khóc đòi mẹ. Thương con, thương cháu, bà Thê nén nước mắt, cõng cháu trên lưng đi khắp xóm dỗ dành, đến khi cháu ngủ mới bồng về nhà. Còn những lúc Thanh Trà bị bệnh cả tháng, bà Thê phải gửi cháu Hữu Phước cho người con gái thứ 2 chăm sóc để đưa Trà lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) điều trị.

Ngồi nghe bà ngoại kể về những ngày vất vả, đau thương khi chị Nhung mới mất, em Hữu Phước buồn rười rượi. Làm sao không buồn, không đau cho được khi em từng có một gia đình hạnh phúc, vậy mà giờ đây phải chịu cảnh mồ côi, tương lai mù mịt. Hữu Phước trải lòng: “Từ ngày mẹ mất, nhìn bạn bè có gia đình đầy đủ, em cảm thấy tủi thân. Thế nhưng làm sao thay đổi được sự thật khi mẹ đã ra đi mãi mãi. Bây giờ, em phải sống tự lập và thật nghị lực để chăm sóc cho ngoại và em gái”.

Khi Hữu Phước vừa dứt lời, em Thanh Trà vội vã chạy đến, nói: “Anh hai thắt tóc bím cho em đi học”. Nhìn hình ảnh Hữu Phước thắt bím tóc cho em gái một cách tỉ mẩn, những người ngoài cuộc cũng cảm thấy nghẹn lòng. Hữu Phước đã thay mẹ làm tất cả cho em. Chúng tôi thầm nghĩ, cái tuổi của Hữu Phước và Thanh Trà đáng lẽ phải có cuộc sống hạnh phúc, vô ưu, vô lo, vậy mà hai anh em phải tự chăm sóc bản thân. Rồi đây khi bà Thê qua đời, tương lai của các em sẽ đi về đâu. Quả thật, tai nạn lao động đã cướp đi một gia đình hạnh phúc, để lại những hệ lụy không hề nhỏ.

Vẫn chờ con

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Trần Thị Nga (mẹ của anh Nguyễn Thành Trung - công nhân Công ty TNHH Thép Tây Nam bị tử vong do tai nạn lao động ngày 29-02-2020), xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, nằm sâu trong con hẻm. Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày anh Trung mất, người mẹ ấy vẫn chưa chấp nhận được sự thật con mình mãi mãi ra đi.

Hàng ngày, người mẹ ấy vẫn giữ thói quen chuẩn bị cơm cho con đi làm, chiều chờ con về nhà. Do đó, khi nghe ai nói Thành Trung đã mất, bà lại gào thét: “Con tôi chưa chết, nó đã hứa chở tôi đi bệnh viện, nhất định nó sẽ giữ lời hứa, chắc nó đi làm xa chưa về kịp. Tôi phải chờ nó về mới đi bệnh viện”.

Mỗi khi nhớ con, bà Trần Thị Nga lại đem hình con ra nhìn

Với những người mẹ, người cha, không có nỗi đau nào bằng cảnh “người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh”. Chồng bà Nga trải lòng: “Điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe vợ ngày càng yếu, phải được nhập viện điều trị. Trong khi đó, vợ tôi nhất quyết đợi con trai về mới chịu nhập viện, gia đình đã khuyên rất nhiều lần vẫn không được. Tôi không muốn đã mất con, nay còn phải mất thêm vợ”.

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn. Tai nạn lao động xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, để lại cho người thân, gia đình những nỗi đau dai dẳng.

Gánh nặng cả đời người

Từng là trụ cột chính trong gia đình, có công việc ổn định, vậy mà, chỉ một phút bất cẩn, ông Phạm Hữu Đức, ngụ xã Phước Đông, huyện Cần Đước trở thành gánh nặng cho gia đình. Được biết, cách đây 30 năm, trong một lần đi công tác, ông không may bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Gia đình phải vay tiền đưa ông lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị hơn 2 năm. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, ông may mắn giữ được mạng sống nhưng bị liệt 2 chân không thể đi lại và đầu óc không còn minh mẫn như trước, thậm chí đến người con gái mình yêu thương nhất cũng không nhớ.

Tai nạn lao động làm ông Phạm Hữu Đức từ một trụ cột trở thành gánh nặng cho gia đình

Không đầu hàng số phận, cùng với sự động viên từ gia đình, ông Đức kiên trì tập vật lý trị liệu. Kết quả đến nay, ông có thể đi lại, sinh hoạt cá nhân bình thường, tuy nhiên vẫn không làm được việc nặng, tâm trí vẫn còn mơ hồ. Công việc hàng ngày của ông chỉ đơn giản dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Ông Đức trải lòng: “Là đàn ông mà không làm ra tiền, lo kinh tế gia đình thì cũng xấu hổ. Nhiều lúc thấy vợ vất vả, vừa phải đi dạy học, vừa nhận quần áo về may để có thu nhập lo cho gia đình, tôi xót xa lắm! Hiểu được nỗi lòng của tôi, vợ lúc nào cũng động viên, chia sẻ”.

Còn bà Phan Thị Nga, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, dù bị tai nạn lao động nhưng vẫn phải bươn chải lo cho con và trả khoản tiền vay mượn khi nằm viện điều trị. Bà Nga bộc bạch: “Cách đây 15 năm, tôi đi làm về thì không may bị tai nạn giao thông nên liệt nửa người. Từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân cần có người giúp đỡ, trong khi chồng đi làm công nhân, con gái còn rất nhỏ. Vì vậy, tôi phải cố gắng hồi phục để đỡ đần chồng con, ít nhất cũng tự chăm sóc bản thân”.

Thấy hoàn cảnh gia đình bà Nga khó khăn, một công ty thương tình nhận bà vào làm tạp vụ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này đối với bà Nga rất có ý nghĩa, thể hiện nghị lực vượt khó và chia sẻ khó khăn với chồng con trong cuộc sống. Tuy nhiên, sức khỏe bà Nga vẫn chưa thật sự hồi phục, hai tay chưa thể cầm được đồ vật lâu. Liệu bà sẽ duy trì việc làm trong thời gian bao lâu?

Tai nạn lao động xảy ra, nhiều người ra đi vĩnh viễn, người còn sống cũng mang thương tật, trở thành gánh nặng. Nhiều gia đình vì thế mất đi chỗ dựa, gia sản ngày càng kiệt quệ. Vì vậy, người lao động phải tự bảo vệ mình, phòng tránh rủi ro để không nối dài thêm những nỗi đau về tai nạn lao động./.

Tai nạn lao động xảy ra, nhiều người ra đi vĩnh viễn, người còn sống cũng mang thương tật, trở thành gánh nặng. Nhiều gia đình vì thế mất đi chỗ dựa, gia sản ngày càng kiệt quệ. Vì vậy, người lao động phải tự bảo vệ mình, phòng tránh rủi ro để không nối dài thêm những nỗi đau về tai nạn lao động”.

Kim Ngọc

 

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích