Tiếng Việt | English

06/08/2018 - 14:00

Tân Hưng: Xử phạt hàng chục hộ dân tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang nuôi thủy sản

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An tùy tiện chuyển đất trồng lúa sang đào ao nuôi thủy sản, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai, phá vỡ quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài của địa phương. Trước tình trạng trên, huyện Tân Hưng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Chỉ trong thời gian ngắn, có hơn 1.000ha đất lúa trên địa bàn huyện Tân Hưng chuyển sang nuôi thủy sản

Chỉ trong thời gian ngắn, có hơn 1.000ha đất lúa trên địa bàn huyện Tân Hưng chuyển sang nuôi thủy sản

Xử lý hàng chục trường hợp vi phạm

Chỉ trong thời gian ngắn, nông dân huyện Tân Hưng chuyển 1.028ha (nhiều nhất là các xã: Hưng Điền B 487ha, Hưng Điền 235ha, Thạnh Hưng 115ha) đất trồng lúa sang nuôi thủy sản, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương.

Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai 34 trường hợp với số tiền trên 562 triệu đồng vì có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện - Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai theo chỉ đạo của tỉnh, huyện, phòng phối hợp các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định đối với hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Sau khi xử lý, các trường hợp vi phạm nếu phù hợp với quy hoạch thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ thủ tục để sử dụng đất đúng quy định của pháp luật; những trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì kiên quyết xử lý, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu.

Tăng cường quản lý hoạt động ươm cá tra giống

Để quản lý tốt hoạt động ươm cá tra giống, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra trong năm 2018 và các năm tiếp theo, UBND huyện Tân Hưng có văn bản tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động này.

Dù bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nhưng việc nuôi tự phát, tràn lan dẫn đến diện tích ao tăng nhanh khiến tình hình nuôi cá tra gặp khó khăn, nhất là chất lượng cá bột không bảo đảm, nhiễm các bệnh: Gan thận mủ, xuất huyết, trắng gan, trắng mang,... không thể điều trị. Mặt khác, đầu ra cá tra giống không ổn định do phụ thuộc thị trường tiêu thụ. Người nuôi chưa được tập huấn kỹ thuật, xả nước thải trực tiếp ra các kênh, gây ảnh hưởng môi trường,...

Do vậy, ngành chức năng và địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn huyện, tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi, kiểm tra chặt chẽ chất lượng cá bột. Huyện phối hợp các ngành chuyên môn tỉnh quản lý sản xuất giống theo đúng quy định pháp luật, thông tin các trại giống uy tín, chất lượng cho nông dân; hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý nước thải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm; xử phạt vi phạm hành chính nếu nông dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép./.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 102/2014/NĐ-CP, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha. Phạt tiền từ trên 10-20 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha và từ 20-30 triệu đồng nếu diện tích từ 3ha trở lên.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết