Tiếng Việt | English

06/11/2017 - 10:34

Vùng Đồng Tháp Mười: Cần phát huy thế mạnh nuôi thủy sản

Tiềm năng mặt nước để nuôi thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An còn nhiều nhưng hiện nay nông dân chỉ sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún. Để nuôi thủy sản nước ngọt trở thành thế mạnh của vùng, cần phải phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững.


Cần nuôi thủy sản theo hướng tập trung 

Chưa phát huy được thế mạnh

Việc nuôi thủy sản tại vùng Đồng Tháp Mười có từ lâu đời và mang lại hiệu quả kinh tế nhất định nhưng đa phần người dân nuôi theo hướng tự phát, nhỏ, lẻ, không đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng cũng như thế mạnh của vùng.

Các mô hình phổ biến hiện nay là nuôi cá trong ao đất, nuôi trên ruộng lúa hay nuôi lồng, vèo trên sông, kênh vào mùa nước nổi với các loại cá: Lóc, trê, tra, rô phi,… nhưng chỉ dừng lại ở mức bán thâm canh hay kết hợp với VAC để tăng thu nhập. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn, đầu ra chưa ổn định, kỹ thuật nuôi chưa cao,... nên chưa phát huy được thế mạnh vùng.

Ông Ngô Văn Thống, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng chia sẻ: “Thời gian qua, việc nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân cải thiện thu nhập. Gia đình tôi có khoảng 2.000m2 mặt nước nuôi cá tra, cá lóc, trung bình mỗi vụ (từ 12-15 tháng), trừ chi phí lãi khoảng 30-40 triệu đồng. Hiện nay, tôi muốn đầu tư mở rộng nhưng rất khó vì thiếu vốn”.

Theo Chi cục Thủy sản, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường. Đa số nông dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Năm 2016, toàn vùng thả nuôi được gần 3.000ha, thể tích nuôi lồng, vèo gần 10.000m3 với sản lượng trên 27.000 tấn. Đến cuối tháng 10/2017 diện tích thả nuôi được 3.600ha, thể tích nuôi lồng, vèo hơn 10.000m3, đã cho thu hoạch được hơn 1.700ha và 5.800m3 lồng, vèo với sản lượng hơn 28.000 tấn.


Nhiều hộ dân được hỗ trợ từ chính sách phát triển nuôi thủy sản

Tự tìm đầu ra

Từ năm 2014, quy hoạch thủy sản vùng Đồng Tháp Mười được tỉnh triển khai nhằm khuyến khích người dân phát triển nuôi trồng thủy sản và phát huy thế mạnh của vùng. Theo đó, mỗi năm, các địa phương được hỗ trợ hàng chục tỉ đồng đầu tư nuôi trồng thủy sản, từ đó diện tích nuôi thủy sản vùng tăng từng năm. Tuy nhiên, nông dân vẫn phải tự tìm đầu ra.

Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài, năm 2016, toàn huyện có hơn 1.500 hộ dân nuôi thủy sản với diện tích gần 400ha, 5.000m3 lồng, vèo với sản lượng hơn 6.000 tấn. Thời gian qua, do chưa có định hướng thị trường rõ ràng, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư, nông dân chỉ nuôi nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Nguyễn Văn Tèo, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lóc mùa nước nổi, cho biết: “Thật ra, nuôi cá rủi ro rất cao, tình trạng “được mùa - rớt giá”, “được giá - mất mùa” thường xuyên xảy ra. Thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng và nông dân phải tự tìm đầu ra”.

“Mô hình thử nghiệm nuôi cá lăng nha được triển khai thực hiện trong thời gian qua bước đầu cho thấy loài cá này thích ứng với vùng đất nơi đây. Cá phát triển tốt. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chưa có nên nông dân chưa dám đầu tư mở rộng” - anh Phan Hòa Hiệp, ngụ xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa nói.

“Để hỗ trợ cho nông dân nuôi thủy sản, các ngành chức năng huyện tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi, xây dựng mô hình trình diễn và dạy nghề nhằm trang bị cho người dân kiến thức về nuôi thủy sản, đồng thời quy hoạch vùng nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cũng là đầu ra nên chưa thu hút được người dân nhân rộng” - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mộc Hóa - Lê Văn Tùng cho biết.

Cần phát triển theo hướng tập trung

Thời gian gần đây, thấy giá cá tra giống tăng, thu lợi nhuận cao (mỗi ao (1ha), thu lợi nhuận từ 50-70 triệu đồng, thậm chí có ao lãi 500-700 triệu đồng/vụ), nên nhiều nông dân huyện Tân Hưng đua nhau bỏ lúa, đào ao ươm cá giống. Theo thống kê của địa phương, đến thời điểm này có gần 400ha cá giống, hầu hết diện tích này không nằm trong quy hoạch. Con số này sẽ còn tăng nhiều, vì hiện nay còn nhiều hộ dân đang thuê phương tiện chuẩn bị đào ao, tiếp tục thả nuôi.


Nhiều hộ dân bỏ lúa, đào ao ươm cá giống

Quyền Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Hoàng Văn Sinh cho biết, địa phương thanh tra và tổng hợp báo cáo tỉnh, đồng thời giao ngành chuyên môn rà soát lại quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, đề xuất cụ thể, nếu phù hợp trong quy hoạch thì hướng dẫn nông dân làm các thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, nếu không phù hợp quy hoạch mà nông dân chuyển đổi có hiệu quả, huyện đề xuất tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch. “Nông dân không nên làm theo phong trào vì dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gặp rủi ro, thiệt hại” - ông Sinh nói.

Ông Ngô Văn Thống, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, kiến nghị: “Thời gian tới, cần tăng nguồn vốn vay cho những hộ nuôi thủy sản, tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi cho nông dân, nhất là phòng chống dịch bệnh, tiếp tục hỗ trợ kinh phí về chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh và ổn định đầu ra sản phẩm,…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Để phát triển thủy sản vùng Đồng Tháp Mười cần đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng tập trung trên các diện tích ao với các đối tượng nuôi chủ lực: Cá tra, rô phi, cá lóc, trê và tôm càng xanh. Phát triển nuôi cá mùa nước nổi với mô hình nuôi lồng, bè, vèo trên sông, kênh theo hướng bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Theo đó, năm 2017, chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản vùng Đồng Tháp Mười bị cắt giảm từ 13 xuống còn 5 loại thủy sản, tập trung vào các con giống có giá trị kinh tế cao: Tôm càng xanh, cá hô, cá sặc rằn, cá chạch lấu, lươn.

“Để thủy sản trở thành thế mạnh của vùng, cần phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững. Về lâu dài, ngành có hướng tham mưu tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất, cụ thể giảm diện tích lúa Thu Đông vì thời gian qua hiệu quả không cao, có thể chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ màu, 2 vụ lúa - 1 vụ thủy sản. Trước hết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản như xây dựng nhà máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm không chỉ phục vụ nội địa mà còn vươn tới xuất khẩu…” - bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết