Đưa Nghị quyết vào cuộc sống
Tân Thạnh là 1 trong 5 huyện được tỉnh quy hoạch 50.000ha vùng lúa chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX xác định, chương trình đột phá của nhiệm kỳ là tập trung xây dựng vùng lúa chất lượng cao. Năm 2016, Huyện ủy ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về việc tiếp tục xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại.
Lãnh đạo huyện Tân Thạnh, Công ty Lương thực Long An, Hợp tác xã Tân Đồng Tiến tham quan vùng lúa chất lượng cao
Mục tiêu của nghị quyết là xây dựng 10.000ha chuyên sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, sản phẩm đồng nhất, ổn định, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng; phát huy tiềm năng, lợi thế và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai, nguồn nước, hướng đến phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; không ngừng nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Thực hiện nghị quyết, ngành nông nghiệp huyện tập trung thực hiện: Quy hoạch đê bao lửng, xây dựng kế hoạch 5 năm, xây dựng trạm bơm và tổ nhân giống,... Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển kinh tế tập thể như xây dựng các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp).
Toàn huyện hiện có 5 HTX hoạt động khá hiệu quả, nhất là HTX Tân Đồng Tiến (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập). Thời gian qua, các HTX đều thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tân Đồng Tiến - Lê Văn Kiệm cho biết: “Hiện nay, HTX có 27 thành viên chính thức. Thời gian qua, HTX ký hợp đồng bán lúa lâu dài với Công ty (Cty) Lương thực Long An. Ngoài sản xuất lúa, HTX còn mở nhiều dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ lúa do các thành viên sản xuất, dịch vụ thu hoạch lúa,... Chính vì vậy, người dân mạnh dạn sản xuất theo quy trình của HTX và ký hợp đồng với các doanh nghiệp nên đầu ra luôn được bảo đảm”.
Nông dân canh tác trong vùng lúa chất lượng cao
Hiện nay, huyện xây dựng vùng lúa chất lượng cao ở 5 xã: Tân Lập, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây và Bắc Hòa với tổng diện tích trên 11.000ha. |
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Mai Văn On, hiện nay, huyện có 24 cánh đồng lớn, với diện tích 2.442ha. Khi tham gia vào vùng lúa chất lượng cao, người dân được hưởng rất nhiều ưu đãi: Tập huấn khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ và cung cấp 30% giống lúa xác nhận từ doanh nghiệp; hỗ trợ 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật vào đầu vụ; được bao tiêu sản phẩm,...”.
Luồng sinh khí mới
Chương trình đột phá của huyện về xây dựng vùng lúa chất lượng cao mang luồng sinh khí mới đến với nông dân bởi chất lượng cuộc sống dần được nâng lên do sản xuất ngày càng hiệu quả.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, ở xã Tân Lập cho biết: “Tham gia vào HTX, sản xuất lúa chất lượng cao, nông dân hưởng nhiều lợi ích: Được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, cung cấp nguồn giống xác nhận, cho vay trả chậm tiền mua vật tư nông nghiệp và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm. Từ đó, chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Tính ra, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ và sản phẩm bán ra với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg. Năm nay, chúng tôi ăn tết lớn hơn mọi năm vì sản xuất đạt hiệu quả và có lợi nhuận cao”.
Phó Giám đốc Cty Lương thực Long An - Ngô Thanh Vân chia sẻ: “Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nông dân. Cty đầu tư ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ sư hướng dẫn, tập huấn khoa học - kỹ thuật,... Hiện tại, Cty đang bao tiêu sản phẩm của khoảng 170ha. Thời gian tới, Cty sẽ ký hợp đồng với HTX Tân Đồng Tiến bao tiêu từ 300-400ha”.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Sau 1 năm thực hiện, Nghị quyết 04-NQ/HU về xây dựng vùng lúa chất lượng cao thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, nông dân có chuyển biến tích cực trong nhận thức về sản xuất lúa hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm lúa gạo. Đặc biệt, hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm xây dựng, trong đó tập trung xây dựng THT và HTX.
Thời gian tới, huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nội dung dự án vùng lúa chất lượng cao và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc hướng dẫn kỹ thuật, định hướng sản xuất cho nông dân; tăng cường xúc tiến thương mại; bố trí lại mùa vụ và thời vụ thật sự hợp lý cho từng khu vực sản xuất trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, huyện luôn chú ý đến việc sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Tập trung khuyến cáo nông dân khắc phục tình trạng sản xuất theo phương thức truyền thống dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản thấp, không bảo đảm an toàn thực phẩm và hiệu quả không cao, đồng thời ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, góp phần tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Thanh Truyền thông tin |
Mục tiêu lớn nhất của xây dựng vùng lúa chất lượng cao là tăng chất lượng, hạ giá thành, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Do đó, việc liên kết “4 nhà” là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công nghị quyết. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành sẽ mang đến cho người dân Tân Thạnh những mùa xuân ấm no, hạnh phúc nối tiếp nhau./.
Kim Ngọc