Tiếng Việt | English

04/10/2019 - 07:42

Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào mùa lũ

Sau nhiều ngày chờ đợi, lũ đã đổ về các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Lũ về bồi đắp phù sa, tháo chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng,… Đặc biệt, lũ về mang theo nguồn lợi thủy sản lớn, là mùa mưu sinh kiếm sống của nhiều người dân nơi đây. Năm nay, tuy lũ không lớn nhưng cũng là cơ hội, điều kiện cải thiện cuộc sống của nhiều người, nhất là người nghèo. Mùa này, nông dân rộn ràng xuồng, lưới, giăng câu, đánh cá, bắt chuột, hái bông điên điển, bông súng, rau hẹ, nuôi trồng thủy sản,… tạo ra nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân trong vùng và các thành phố lớn. Trong tâm trí của cư dân Đồng Tháp Mười, lũ là “cần câu cơm” lúc nông nhàn. Với người tha hương, mùa lũ gợi lên những ký ức đẹp về quê hương Đồng Tháp Mười mùa nước nổi...

Theo dự báo, năm nay lũ không lớn, thời gian ngâm lũ không lâu, sẽ kéo theo nguồn lợi thủy sản không nhiều. Do đó, không chỉ người dân trong tỉnh mà những người dân khu vực giáp ranh sẽ tranh thủ khai thác nguồn lợi thiên nhiên mùa lũ mang về. Nếu không có sự quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng thì tình trạng khai thác thủy sản sẽ hết sức phức tạp. Nhiều người sẽ dùng mọi cách, mọi phương tiện, ngư cụ để tận thu thủy sản.

Thực tế thời gian qua ở vùng Đồng Tháp Mười, có một số người dùng điện, hóa chất, các loại ngư cụ không đúng quy định để đánh bắt thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Các kiểu khai thác mang tính hủy hoại môi trường như thế cần phải được chính quyền, ngành chức năng xử lý nghiêm. Tuy nhiên, địa bàn vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn, sông, rạch chằng chịt, đồng nước mênh mông, có những đối tượng ngoài tỉnh, lợi dụng đêm tối và sử dụng xuồng cao tốc “đánh nhanh, rút nhanh” nên gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý của chính quyền. Một số khác là người địa phương có mối quan hệ quen biết hoặc hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cán bộ địa phương chưa mạnh dạn, kiên quyết xử lý khi có vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Giải pháp căn cơ bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng Đồng Tháp Mười là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản cho người dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và chuyển đổi hành vi của người dân. Các đoàn thể ở cơ sở cần tăng cường lồng ghép nội dung này vào sinh hoạt, tuyên truyền ở cộng đồng dân cư. Song song đó, chính quyền, ngành chức năng cần kiên quyết xử lý, răn đe đối tượng vi phạm.

Với người dân Đồng Tháp Mười, tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là thiết thực bảo vệ cuộc sống bền vững của mình và bảo vệ nét đặc trưng của quê hương.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết