Tiếng Việt | English

09/10/2024 - 13:58

Tăng cường giải pháp phòng ngừa để kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Long An

Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ nối liền các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ với TP.HCM. Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp, người dân từ các địa phương khác đến định cư, sinh sống và làm việc nên phát sinh nhiều bất cập về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xử lý các lỗi vi phạm thường gặp như nồng độ cồn, không chấp hành tín hiệu đèn, biển báo, đi hàng ba, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm,... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh, rạch chằng chịt kết nối với các tuyến kênh, rạch khu vực biên giới trọng điểm, tình trạng không chấp hành các quy định pháp luật diễn ra phức tạp, như phương tiện không đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; một số bến khách ngang sông vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn TNGT; người đi đò không mặc áo phao còn phổ biến,... 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Nguyễn Minh Lâm động viên cán bộ, chiến sĩ đợt cao điểm ra quân bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Theo thống kê, tổng số phương tiện giao thông do địa phương đang quản lý hơn 66.000 xe ôtô và hơn 1.400.000 xe môtô, gắn máy các loại, chưa kể một lượng lớn phương tiện của người dân ở ngoài tỉnh đang tạm trú trên địa bàn và phương tiện đi ngang qua địa bàn tỉnh hàng ngày, dẫn đến tình trạng các tuyến giao thông qua địa bàn tỉnh có biểu hiện quá tải do mật độ giao thông cao, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, tết,… Đây cũng là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông ATGT tại địa phương.

Xuất phát từ đặc điểm trên, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT. Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu Công an tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện các chủ trương của Trung ương, Bộ Công an và tỉnh trong công tác bảo đảm TTATGT.

Đặc biệt, tham mưu triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 26/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới.

Đồng thời, tham mưu ban hành triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT, tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm TTATGT, góp phần kiềm chế và làm giảm TNGT trên địa bàn.

Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 244 vụ TNGT (đường bộ: 243 vụ; đường thủy: 1 vụ), làm chết 143 người, bị thương 146 người; so cùng kỳ năm 2023, giảm 29 vụ, giảm 49 người chết; không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đẩy mạnh phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông trong và ngoài ngành, đặc biệt là phối hợp ngành Giáo dục, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Liên đoàn Lao động các cấp, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lái xe, chủ xe, tín đồ phật giáo, người lao động,… ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 34.813 trường hợp vi phạm TTATGT (đường bộ: 33.797 trường hợp; đường thủy: 1.016 trường hợp); xử phạt với số tiền 114,459 tỷ đồng (trong đó, xử lý 9.678 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 7.624 trường hợp vi phạm quá tốc độ; 234 trường hợp vi phạm quá tải trọng; 11 trường hợp lái xe dương tính với ma túy,…), tước giấy phép lái xe có thời hạn 7.589 trường hợp.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, phối hợp bắt giữ 42 vụ, 42 đối tượng liên quan hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ và đường thủy nội địa.

Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn, văn hóa giao thông, văn minh đô thị, thông tin truyền thông đưa tin tình hình TTATGT, nguyên nhân, hậu quả các vụ TNGT, để cảnh tỉnh, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật và quy tắc giao thông khi tham gia giao thông.

Đại tá Lâm Minh Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Long An, động viên cán bộ, chiến sĩ đợt cao điểm ra quân bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Tăng cường công tác nắm tình hình giao thông, quản lý chặt hoạt động giao thông trên đường; chủ động rà soát, bổ sung hoặc xây dựng mới các phương án bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, tết, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương; kịp thời huy động và phân công bố trí lực lượng phối hợp Cảnh sát giao thông chỉ huy, điều hành giao thông, tổ chức phân luồng, điều tiết hướng dẫn giao thông từ sớm, từ xa, khi có dấu hiệu gia tăng lưu lượng phương tiện trên đường nhằm triệt tiêu các yếu tố bất lợi, điều kiện làm phát sinh nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng, nhất là ngành Giao thông Vận tải và UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác lập lại trật tự đô thị, TTATGT trên địa bàn; kiểm tra, xử lý các vi phạm chiếm dụng trái phép hè phố, đậu đỗ xe trái quy định và những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc giao thông, dễ dẫn đến TNGT; khảo sát, xử lý các “điểm đen”, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT; kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATGT; chỉ đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ.

Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn đối với các công trình giao thông đường bộ đang khai thác sử dụng hoặc đang thi công, kịp thời phát hiện những công trình kém chất lượng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông; kiến nghị các đơn vị thi công, quản lý (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục quản lý đường bộ IV, Chi cục Quản lý đường bộ IV,…) tiến hành kiểm tra, kiểm định chất lượng, có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo đảm TTATGT, phòng ngừa TNGT. Kiến nghị đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường các tuyến đường giao thông trọng điểm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62, Quốc lộ N2 và các tuyến đường tỉnh trọng điểm phức tạp về TTATGT, các tuyến kết nối giao thông với các địa phương giáp ranh; lắp đặt dải phân cách cứng phân chia làn đường, phần đường để hướng dòng phương tiện đi theo chiều đường, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt. Đầu tư lắp đặt hệ thống thoát nước hai bên đường, không để tình trạng ngập nước xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, nhất là vào mùa mưa, bão,…

Cảnh sát giao thông ra quân bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Đề xuất tăng cường đầu tư, nâng cấp và khai thác tối đa hiệu quả sử dụng các thiết bị công nghệ kỹ thuật vào hoạt động giao thông, như lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tính toán điều chỉnh các chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông từ các chiều đường; lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, camera phạt nguội trên các tuyến giao thông, các vị trí ngã 3, ngã 4,… kết nối trực tiếp với Trung tâm chỉ huy điều hành giao thông, để theo dõi, giám sát hoạt động giao thông, kịp thời chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông nhanh chóng xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc, sự cố phương tiện trên đường, không để kéo dài hình thành “điểm nóng”, dẫn đến ùn tắc giao thông và TNGT./.

T.Phượng

Chia sẻ bài viết