Tiếng Việt | English

07/10/2024 - 19:52

Tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch Cúm A (H5N1) tại Vườn thú Mỹ Quỳnh  

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị khẩn trương tổ chức triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch Cúm A (H5N1) tại Vườn thú Mỹ Quỳnh theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Ngoài ra, yêu cầu không mở cửa đón khách tham quan cho đến khi xử lý hết dịch bệnh.

Một con hổ tại vườn thú

Chiều 07/10, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, sau khi phát hiện mẩu từ hổ chết ở Vườn thú Mỹ Quỳnh có kết luận dương tính với Cúm A (H5N1), Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã chỉ đạo Vườn thú Mỹ Quỳnh tiếp tục theo dõi đối với các cá thể hổ còn lại trong đàn, cách ly con bệnh; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày.

Sở yêu cầu vườn thú này không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có hổ, sư tử bệnh chết; hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại vườn thú, người chăm sóc cần phải được trang bị đầy đủ bảo hộ.

Sở cũng khuyến cáo vườn thú không mở cửa cho khách tham quan khu nuôi thú cho đến khi hết dịch bệnh (sau 21 ngày kể từ khi con bệnh, chết cuối cùng được tiêu hủy; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc).

Đồng thời, Vườn thú Mỹ Quỳnh phải phối hợp Chi cục Thú y Vùng VI, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp thông tin điều tra dịch tễ, xác định nguồn dịch và các yếu tố nguy cơ.

Đối với động vật được nhập vào vườn thú phải có nguồn gốc rõ ràng, động vật có nguồn gốc ngoài tỉnh khi nhập vào vườn thú phải được kiểm dịch và có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Được biết, từ khi lấy mẫu xét nghiệm cá thể hổ chết ở Vườn thú Mỹ Quỳnh có kết luận dương tính Cúm A (H5N1) đến nay thì ở vườn thú không phát hiện có thêm số ca bệnh mới.

Ngoài ra, theo Sở Y tế Long An, những người tiếp xúc, chăm sóc với thú và cán bộ của các đoàn kiểm tra đến làm việc tại Vườn thú Mỹ Quỳnh cũng không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe. Qua xét nghiệm, tất cả những người này đều âm tính với Cúm A (H5N1).

Trong ngày 07/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Long An về việc quản lý nguy cơ nhiễm vi rút Cúm A (H5N1) trên động vật hoang dã.

Văn bản nêu theo báo cáo của Cơ quan chuyên môn thú y của tỉnh Long An về tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm Cúm A (H5N1) trên cá thể hổ tại Vườn thú Mỹ Quỳnh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thì từ tháng 8/2024 đến ngày 16/9/2024, tại vườn thú này đã có 30 con hổ và sư tử bị chết (27 con hổ và 3 con sư tử), trong đó có 3 con hổ mới nhập từ Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 06/9/2024, những  cá thể còn lại có nguồn gốc từ Vườn thú; nguồn thức ăn cho hổ và sư tử (thịt gà) được nhập về từ thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Thú y đã tiến hành xét nghiệm 01 mẩu bệnh phẩm trên hổ bị chết tại Vườn thú ngày 16/8/2024 và có kết quả dương tính với vi rút Cúm  A (H5N1).

Tiếp đó, ngày 01/10/2024, theo báo cáo của Cơ quan chuyên môn thú y tỉnh Đồng Nai, từ ngày 08/9/2024 đến ngày 22/9/2024, đã có 21 con (20 cá thể hổ và 01 cá thể báo đen) bị chết trong tổng số 42 con hổ và 02 con báo được nuôi tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài của Công ty TNHH Khu Du lịch sinh thái Vườn Xoài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Khu du lịch). Cục Thú y đã tiến hành xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên hổ bị chết tại Khu du lịch và có kết quả dương tính với vi rút Cúm A (H5N1).

Vi rút Cúm A (H5N1) rất nguy hiểm, có thể gây bệnh trên gia cầm, nhiều loài động vật hoang dã và gây bệnh cho người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh làm chết nhiều cá thể hổ, sư tử tại vườn thú, nguy cơ lây nhiễm vi rút Cúm A (H5N1) từ động vật hoang dã sang con người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại cho ngành Chăn nuôi là rất cao. Tuy nhiên, Vườn thú Mỹ Quỳnh chưa chủ động phối hợp một số cơ quan quản lý động vật hoang dã, cơ quan thú y và các cơ quan có liên quan của địa phương để thực hiện điều tra ổ dịch, lấy mẩu giám sát, triển khai kịp thời các biện pháp phòng bệnh.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, UBND tỉnh Long An quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của địa phương khẩn trương tổ chức triển khai các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch Cúm A (H5N1) theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Trong đó, yêu cầu vườn thú tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với các cá thể hổ, báo, sư tử còn lại trong đàn, các động vât hoang dã trong vườn thú, khu du lịch. Cách ly con bệnh và thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh cho cơ quan chuyên môn địa phương khi phát hiện các trường hợp động vật hoang dã mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết và tiếp tục phối hợp lấy mẩu gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để tiến hành xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh và phân tích chuyên sâu.

Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng liên tục hàng ngày; không nhập, xuất động vật ra vào toàn bộ khu nuôi có động vật mắc bệnh, chết. Hạn chế cho người tiếp xúc với động vật tại nuôi nhốt trong thời gian xử lý dịch bệnh. Người chăm sóc động vật phải được trang bị bảo hộ đầy đủ. Quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn cho động vật hoang dã trong khu du lịch. Không mở cửa đón khách tham quan cho đến khi xử lý hết dịch bệnh.

Ngoài ra, chỉ đạo Cơ quan thú y địa phương điều tra, lấy mẩu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm và xử lý ổ dịch. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch trên gia cầm, đặc biệt, khu vực xung quanh nơi nuôi nhốt hổ, báo, sư tử, nơi cung cấp thức ăn cho động vật hoang dã để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trên diện rộng. Giám sát chủ động vi rút cúm gia cầm trên các loài động vật hoang dã đang nuôi tại vườn thú, khu du lịch, lấy mẩu phân, mẩu môi trường để giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên nhiều loài động vật, lây lan sang con người.

Khẩn trương rà soát, thống kê lại tổng đàn gia cầm trên địa bàn, tiếp tục triển khai tiêm phòng cúm gia cầm trên đối tượng thuộc diện tiêm, bảo đảm tiêm phòng đạt hơn 80%. Tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ động vật, không sử dụng động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; hướng dẫn người dân chủ động giám sát kịp thời.

Tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch vận chuyển động vật trong đó có động vật hoang dã, sản phẩm động vật vận chuyển trên địa bàn tỉnh  theo quy định. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh, vận chuyển động vật; kiểm tra các cơ sở thu mua động vật, sản phẩm động vật để chế biến làm thức ăn cho động vật. Thực hiện việc phối hợp cơ quan y tế trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Cùng với đó, xử lý nghiêm những trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã không tuân thủ các quy định về thú y, các quy định về báo cáo dịch bệnh và phòng, chống dịch bệnh động vật. Trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về thú y và để lây lan dịch bệnh, cần đóng cửa vườn thú, khu du lịch cho đến khi xử lý hết dịch bệnh và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết