Kiểm tra máy bơm, phương tiện để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Đại Lâm
Phòng ngừa cháy, nổ tại các chợ
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Long An, cuối năm 2020, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền PCCN tại khu vực đông dân cư, nhất là các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Đồng thời, hàng năm, vào Tháng An toàn vệ sinh lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Công Thương, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC), các địa phương tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các chợ do tư nhân đầu tư, quản lý chủ động các biện pháp bảo đảm PCCN tại khu vực đông dân cư.
Huyện Cần Đước có 12 chợ, trong đó, có chợ Cầu Tràm (Khu công nghiệp Cầu Tràm, xã Long Trạch) và chợ xã Long Cang do tư nhân quản lý. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cần Đước - Nguyễn Khắc Hoàng Nguyên, đầu mùa khô 2021, Phòng phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác PCCN tại các chợ, trung tâm mua sắm. Chợ Cần Đước vừa được trang bị, xây dựng lại toàn bộ hệ thống PCCC hiện đại. Chợ Rạch Kiến cũng được chỉnh trang hệ thống PCCC và có Đội thường trực PCCC. Chợ Long Hựu Đông (xã Long Hựu Đông) cũng được kiểm tra thường xuyên, bảo đảm PCCN hiệu quả.
Chợ Cần Đước ngày càng đông nên phải thường xuyên được kiểm tra, bảo đảm công tác phòng, chống cháy, nổ hiệu quả
Chợ Cần Đước có diện tích trên 6.000m2, gần 400 hộ buôn bán. Ông Nguyễn Văn Minh - bảo vệ chợ Cần Đước, thành viên Đội PCCC, chia sẻ: “Từ khi được trang bị hệ thống PCCC mới, Đội PCCC của chợ an tâm hơn. Ngoài ra, các thành viên trong đội phân công tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ buôn bán chấp hành quy định, nội quy PCCN trong chợ. Qua đó, người dân ý thức hơn về việc PCCN”.
Chị Lan Hương - hộ kinh doanh lâu năm ở chợ Cần Đước, nói: “Công tác PCCN tại chợ Cần Đước được thực hiện khá tốt. Nhiều năm liền tại chợ không xảy ra cháy, nổ, chập điện. Tuy nhiên, chợ ngày càng đông nên ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, bảo đảm công tác PCCN hiệu quả”.
Huyện Bến Lức phát triển mạnh về công nghiệp; xung quanh khu, cụm công nghiệp có nhiều chợ do tư nhân đầu tư, quản lý. Chợ Gò Đen (Khu dân cư Gò Môn, xã Phước Lợi) có gần 400 hộ kinh doanh buôn bán nhiều mặt hàng, là đầu mối tiêu thụ hàng hóa của nhiều xã trong khu vực như Mỹ Yên, Long Hiệp (huyện Bến Lức), Long Khê (huyện Cần Đước). Ông Lê Hồng Khánh - nhân viên bảo vệ chợ Gò Đen, thành viên Đội PCCC, bộc bạch: “Chợ Gò Đen là một trong những chợ lớn của huyện Bến Lức, có diện tích 8.000m2. Để PCCN, hàng ngày, các thành viên trong Đội PCCC đều tuần tra xung quanh khu vực, nhắc nhở tiểu thương chấp hành đúng quy định PCCN. Các thành viên trong Đội cũng thường xuyên được tập huấn sử dụng trang bị PCCC. Trước khi đóng cửa chợ, Đội đều đi kiểm tra các sạp và tắt cầu dao tổng (cúp nguồn) để bảo đảm an toàn lưới điện”.
Là một trong những chợ có quy mô lớn ở huyện Bến Lức nên công tác phòng, chống cháy, nổ tại chợ Gò Đen luôn được quan tâm
“Chợ Gò Đen được trang bị hệ thống PCCC hiện đại như máy bơm công suất lớn, hệ thống tự báo động khi có khói. Công an xã Phước Lợi và Đội dân phòng của xã thường xuyên phối hợp Ban Quản lý chợ làm tốt công tác PCCN, bảo đảm an toàn cho các hộ kinh doanh, buôn bán” - ông Khánh cho biết thêm.
Phòng cháy tại các khu rừng đặc dụng
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có trên 22.600ha rừng chủ yếu là rừng tràm (tràm bông vàng, keo lai). Diện tích rừng đặc dụng gần 2.000ha, chủ yếu tập trung tại Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng) và Công ty (Cty) Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa). Ngoài ra, còn có trên 2.000ha rừng phòng hộ dọc vành đai biên giới, diện tích còn lại là rừng sản xuất.
Thực hiện Kế hoạch số 7719/KH-SNN, ngày 30/12/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng (PCCR) mùa khô năm 2021, Chi cục Kiểm lâm Long An có Công văn số 65/CCKL-QLPTSDR, ngày 22/02/2021 về việc kiểm tra công tác bảo vệ rừng, PCCR mùa khô năm 2021. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm phối hợp Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng và PCCR tại các đơn vị có rừng (chủ rừng). Các nội dung kiểm tra tập trung vào việc củng cố tổ, đội PCCR; việc triển khai phương án, kế hoạch PCCR; khả năng phối hợp, huy động lực lượng, phương tiện khi có cháy rừng, phá rừng; tình hình triển khai, thực hiện các văn bản về bảo vệ rừng và PCCR; chế độ trực, tuần tra, canh gác bảo vệ rừng; công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng và PCCR; kế hoạch tập huấn công tác PCCR. Ngoài ra, đoàn còn xem xét việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các công trình bảo vệ rừng và PCCR, các trang thiết bị, phương tiện PCCR hiện có.
Dập lửa cứu rừng
Dược sĩ Bùi Đắc Thắng - Giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, cho biết: “Hiện Cty quản lý gần 800ha rừng đặc dụng, chủ yếu là rừng tràm nguyên sinh. Chính vì vậy, công tác PCCR luôn được quan tâm. Ngay từ đầu năm 2021, Ban Giám đốc Cty phối hợp ngành chức năng và Hạt Kiểm lâm Mộc Hóa - Kiến Tường cho thành viên trong Đội PCCR của Cty kiểm tra thiết bị PCCR và luyện tập nhằm kịp thời ứng phó với nguy cơ cháy rừng”.
Bên cạnh đó, theo dược sĩ Thắng, Cty đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân vùng đệm (xung quanh Cty) nhằm nâng cao ý thức PCCR. Đội PCCR của Cty thường xuyên tuần tra, phát quang tạo thành băng cản lửa. Đặc biệt, vào mùa khô, xung quanh khu rừng đặc dụng có đê bao giữ nước bảo đảm hệ sinh thái của rừng phát triển bình thường và phục vụ công tác tuần tra, PCCR.
Hiện nỗi lo lắng của Cty là một số cá nhân vãng lai vào rừng nhưng chưa nâng cao ý thức PCCR, một số người còn vô ý sử dụng lửa có thể phát sinh cháy rừng. Cty tăng cường chỉ đạo thành viên Đội PCCR trực tháp, chòi canh (Cty có 2 chòi canh cao khoảng 20m) quan sát toàn bộ khu rừng đặc dụng nhằm kịp thời phát hiện đám cháy và dập tắt ngay khi đám cháy phát sinh.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Long An, nhằm tăng cường biện pháp PCCR tại Cty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, Hạt Kiểm lâm Mộc Hóa - Kiến Tường phân công 1 kiểm lâm viên phụ trách tại Cty để tăng cường các biện pháp PCCR.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trải dài trên địa bàn 3 xã: Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại và Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng), có tổng diện tích gần 2.000ha, riêng diện tích rừng tràm nguyên sinh khoảng 1.200ha. Nơi đây được công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 của thế giới và thứ 7 của Việt Nam. Vào mùa khô, nhiều đối tượng lén vào khu rừng bắt ong, bắt cá, bẫy chim nên công tác PCCR tại nơi đây là nhiệm vụ quan trọng. Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An - Lê Hữu Lợi cho biết thêm: “Hàng tuần, Hạt Kiểm lâm Tân Hưng - Vĩnh Hưng đều bố trí kiểm lâm viên vào khu bảo tồn để kiểm tra, phối hợp khu tăng cường biện pháp PCCR”.
Theo ông Lê Hữu Lợi, hiện vào mùa nắng nóng cao điểm có thể xảy ra cháy rừng, vì vậy, các chủ rừng cần chỉ đạo lực lượng PCCR tại chỗ tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện nguy cơ gây cháy để xử lý. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra các phương tiện PCCC: Máy bơm, ống nước, nguồn nước,... Đặc biệt, cấp cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCR. Các cấp quản lý và chủ rừng xây dựng kế hoạch ứng phó để kịp thời xử lý khi có cháy rừng (áp dụng phương châm “4 tại chỗ”). Chi cục Kiểm lâm xem xét, tăng cường phương tiện và lực lượng cho các địa phương có nguy cơ cháy rừng cao”.
Bước vào mùa hanh khô, nắng nóng, cháy, nổ rất dễ xảy ra. Vì vậy, công tác PCCN cần được ngành chức năng, các địa phương quan tâm hơn. Người dân cũng cần nâng cao ý thức trong PCCN./.
Bước vào mùa hanh khô, nắng nóng, cháy, nổ rất dễ xảy ra. Vì vậy, công tác phòng, chống cháy, nổ cần được ngành chức năng, các địa phương quan tâm hơn. Người dân cũng cần nâng cao ý thức trong phòng, chống cháy nổ”. |
Đại Lâm