Tiếng Việt | English

01/06/2023 - 10:08

Tăng cường phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, tội phạm mua, bán người (Bài 1)

Những lời hứa tìm “việc nhẹ, lương cao” bên nước bạn Campuchia vẫn được các đối tượng rao nhan nhản trên mạng xã hội. Nhưng việc xuất ngoại tìm việc làm lại thường không được thực hiện chính ngạch dù trên địa bàn tỉnh Long An có cửa khẩu quốc gia và quốc tế.
Hàng loạt công dân “vỡ mộng” làm giàu bằng “việc nhẹ, lương cao” được nước bạn trao trả sau các đợt truy quét lao động bất hợp pháp của lực lượng chức năng Campuchia cùng nhiều vụ việc xuất, nhập cảnh trái phép được kịp thời phát hiện cho thấy đa số họ đều bị lợi dụng, bóc lột sức lao động, thậm chí dễ trở thành nạn nhân của hoạt động tội phạm mua, bán người.

 Bài 1: Vỡ mộng “việc nhẹ, lương cao” nơi xứ người

Sau những đợt các lực lượng chức năng phía Campuchia tăng cường truy quét lao động bất hợp pháp, hàng chục công dân được trao trả về Việt Nam, trong đó có tỉnh Long An. Đa số nạn nhân được trao trả qua các cửa khẩu tại tỉnh đều từ địa phương khác, không có tài sản và phải làm việc với cường độ cao, thời gian làm việc dài, hoàn toàn không có chuyện “việc nhẹ, lương cao” như họ từng được quảng cáo khi quyết định sang xứ người.

Đồn Biên phòng Long Khốt bắt giữ người xuất cảnh trái phép

Thủ đoạn dụ dỗ ngày càng tinh vi

Trên trang mạng xã hội, khi gõ cụm từ “việc làm Campuchia”, hàng loạt trang thông tin tuyển dụng việc làm bên nước bạn Campuchia hiện lên. Những dòng thông tin tuyển dụng hấp dẫn rất dễ thu hút người có nhu cầu tìm việc làm. Đa số các thông tin tuyển dụng này đều giới thiệu công việc với mức lương hấp dẫn mà không cần kỹ năng hay kinh nghiệm.

Tài khoản có tên “Nguyễn Kim Yến” giới thiệu tuyển dụng vị trí sale (nhân viên kinh doanh) mức lương cơ bản 800 USD cùng % hoa đồng được hưởng; vị trí phiên dịch tiếng Trung có mức lương 1.500-1.800 USD. Thậm chí, vị trí chăm sóc khách hàng cũng có mức lương từ 1.200-1.800 USD. Tài khoản này cũng cam kết người lao động được ở ký túc xá với nhiều tiện ích, có xe đón từ TP.HCM sang Campuchia. Nếu chăm chỉ làm việc, mức lương ít nhất lao động nhận được lên đến trên 2.000 USD.

Ngoài ra, trên các trang việc làm Campuchia khác cũng có hàng loạt lời giới thiệu hấp dẫn về việc làm thu nhập cao nơi xứ người. So với mức thu nhập hiện nay tại trong nước, mức lương này quả thật là niềm mơ ước không chỉ của những lao động phổ thông mà ngay cả những người có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản.

Trên các trang mạng xã hội đầy rẫy những lời giới thiệu "việc nhẹ, lương cao" để “hút” các "con mồi"

Tuy nhiên, trái với những lời quảng cáo “mật ngọt”, các lao động Việt Nam khi sang Campuchia làm việc hầu hết bị đưa vào làm tại các casino do người nước ngoài tổ chức với cường độ làm việc cao. Theo Đại úy Huỳnh Tuấn Triêm - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng (ĐBP) Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng), trong các vụ đấu tranh, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép được đơn vị phát hiện thời gian qua, các đối tượng bị bắt giữ thường bị dụ dỗ thông qua mạng xã hội với thủ đoạn tinh vi. Trước khi thực hiện hành vi xuất, nhập cảnh trái phép, các đối tượng được mời gọi với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng thực tế, hầu hết trong các vụ việc bị phát hiện, đối tượng vi phạm đều từ địa phương ngoài tỉnh, thậm chí từ các tỉnh miền núi phía Bắc, trình độ học vấn thấp, được đưa sang làm việc trong các casino khép kín, cường độ làm việc, áp lực cao.

Những dòng thông tin tuyển dụng hấp dẫn dễ thu hút người có nhu cầu việc làm

“Khai thác một số đối tượng khi nhập cảnh trái phép trở về Việt Nam, đa số đều thừa nhận bị dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia làm việc. Khi trót qua, muốn trở về rất khó khăn hoặc phải đóng một khoản tiền mới được trở về, thậm chí có trường hợp còn bị chủ này bán cho chủ khác khi không đạt chỉ tiêu yêu cầu làm việc. Nhiều người khi vừa sang Campuchia làm việc đã vỡ mộng, đến lúc đó mới hiểu mình là nạn nhân” - Đại úy Huỳnh Tuấn Triêm cho biết.

Thông tin từ các lực lượng chức năng, các vụ việc xuất, nhập cảnh trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua hầu hết có đường dây tổ chức trong và ngoài nước, đối tượng cầm đầu chủ yếu thông qua mạng xã hội Zalo hoặc Facebook để liên lạc, hướng dẫn cách thức xuất, nhập cảnh trái phép với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Vỡ mộng "việc nhẹ, lương cao"

Năm 2022, em Đào Hoàng Q. (17 tuổi, tỉnh Lạng Sơn), người dân tộc Tày, tin lời giới thiệu của một số đối tượng trên mạng xã hội qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”. Em Q. từ tỉnh Lạng Sơn bắt xe vào TP.HCM rồi được đưa về Long An vượt biên sang Campuchia làm việc. Trái với lời cam kết “việc nhẹ, lương cao”, em Q. bị đưa vào casino do người nước ngoài làm chủ. Trong đó, em Q. phải làm việc nhiều giờ liên tục, bị áp đặt hoàn thành chỉ tiêu, nếu không sẽ không được nhận lương. Do không chịu nổi cường độ công việc, 2 ngày sau, em Q. tìm cách trốn khỏi nơi làm, vượt biên trở lại Việt Nam. Trong lúc tìm cách vượt biên, Q. gặp Trần Khánh L. (34 tuổi, tỉnh Hải Dương) cũng đang tìm cách nhập cảnh trở lại Việt Nam. Do không thông thạo đường nên khi Q. và L. đang băng qua đường ruộng đoạn biên giới do ĐBP Long Khốt quản lý, bảo vệ thì lực lượng Bộ đội biên phòng phát hiện. Trên người Q. và L., ngoài mấy bộ quần áo thì không có tài sản. May sao, 2 người vẫn còn giữ được giấy tờ tùy thân.Qua khai thác thông tin từ Q. và L., cả 2 đều thừa nhận bị lừa bởi chiêu “việc nhẹ, lương cao”.

Tại ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ), từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị phát hiện, xử lý 19 vụ/81 đối tượng, trong đó, khởi tố 4 vụ/6 đối tượng về các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Đáng chú ý, trong số các vụ việc được phát hiện, cuối tháng 9/2022, ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây phối hợp Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh và Công an huyện Đức Huệ tiếp nhận 34 công dân Việt Nam lao động trái phép ở Campuchia từ Đồn Công an biên giới hữu nghị Sôm Rông, Ty Công an tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Đây đều là những đối tượng lao động bất hợp pháp được phát hiện sau các đợt truy quét của lực lượng chức năng bên phía Campuchia.

Theo Thiếu tá Trần Ngọc Dương - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, qua thông tin khai thác từ các đối tượng do đơn vị tiếp nhận, hầu hết những người này sang Campuchia làm việc sau những lời dụ dỗ. Tuy nhiên, khi đến nước bạn, họ bị các đối tượng đưa sâu vào nội địa, có người còn bị thu giấy tờ tùy thân và phải làm việc tại các sòng bài với áp lực cao, muốn trở về bắt buộc phải chi một khoản tiền và thường số tiền để được trở về không hề nhỏ.

Thiếu tá Trần Ngọc Dương cũng cho rằng: “Nếu không có năng lực chuyên môn hoặc kỹ năng đặc biệt thì không thể nào mơ về một công việc nhẹ với mức lương cao. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin, tránh trường hợp sập bẫy thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao" hiện nay”./.

Năm 2022, lực lượng công an phối hợp ĐBP Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và ĐBP Cửa khẩu Mỹ Quý Tây tiếp nhận 58 trường hợp công dân Việt Nam được trao trả qua 2 cửa khẩu. Đây là các lao động Việt Nam làm việc trái phép và bị lực lượng chức năng bên phía Campuchia phát hiện trong các đợt truy quét lao động bất hợp pháp.

(còn tiếp)

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết