Tiếng Việt | English

08/09/2022 - 09:00

Phòng, chống mua bán người từ sớm, từ địa bàn cơ sở

Thời gian qua, các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ để phòng, chống mua, bán người. Trong đó, nêu cao sự chủ động phòng ngừa mua, bán người từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở.

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn biên giới, phòng, chống mua, bán người

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình phòng, chống mua, bán người năm 2022. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch: Phòng, chống mua, bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030; thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua, bán người (30/7) năm 2022; thực hiện Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia trong phòng, chống mua, bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua, bán giai đoạn 2020-2022.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các biện pháp công tác nghiệp vụ để phòng, chống mua, bán người; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở. Kịp thời nắm tình hình liên quan đến mua, bán người trên không gian mạng để tập trung đấu tranh, ngăn chặn; tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên tuyến biên giới để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua, bán người ra nước ngoài; tiếp nhận kịp thời các tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố về tội phạm mua, bán người và khẩn trương triển khai công tác xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. UBND tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, khu vui chơi, giải trí, địa bàn giáp ranh (nơi tội phạm thường xuyên lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội) để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm mua, bán người.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế về phòng, chống mua, bán người và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng của  tỉnh Svay Rieng, Pray Veng (Campuchia) để kịp thời trao đổi thông tin, duy trì đường dây nóng, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm mua, bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán (nếu có).

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phòng, chống mua, bán người. Trong đó, tăng cường tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua, bán người gắn với các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua, bán người (30/7) và Ngày Toàn dân phòng, chống mua, bán người (30/7). Hình thức tổ chức tuyên truyền phong phú, đa dạng, tạo được sự lan tỏa trong xã hội.

Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tuyên truyền 602 lượt tin, bài qua hệ thống truyền thanh trong tỉnh. Sở Tư pháp tổ chức triển khai 100% văn bản Luật mới ban hành cho lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, báo cáo viên pháp luật, biên tập viên chuyên đề pháp luật; tổ chức 1 cuộc hội nghị phổ biến pháp luật với hình thức trực tuyến tại 158 điểm cầu, có 1.835 đại biểu tham dự; phát hành 4.000 quyển sách pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền các văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống mua, bán người cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Các đơn vị, trường học phối hợp các ban, ngành tuyên truyền 195 cuộc, với 70.815 lượt cán bộ, công chức, viên chức và học sinh tham gia.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cấp 28.000 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức 12 lớp tập huấn cho 350 cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán cấp huyện, cấp xã; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 53.080 lượt người, trong đó có những người có nguy cơ bị mua, bán.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh sử dụng 359 Zalo, Facebook và 7.800 cán bộ tuyên truyền viên nòng cốt của Hội để tuyên truyền, vận động trong hội viên và nhân dân.

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội với hơn 300.000 lượt người tiếp cận. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng, chống mua, bán người.

Các sở, ngành còn lại định kỳ lồng ghép trong các cuộc họp nội bộ tuyên truyền phòng, chống mua, bán người trong đoàn viên, hội viên, người lao động gắn với phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; viết tin, bài phát trên đài phát thanh địa phương; treo ảnh, băng rôn;...

Đặc biệt, Công an tỉnh phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo và nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm mua, bán người. Công an thường xuyên xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình phòng ngừa tội phạm có hiệu quả như mô hình: Zalo phòng, chống tội phạm; Móc khóa tiếp nhận thông tin về an ninh, trật tự; Khu nhà trọ công nhân văn hóa; Camera giám sát an ninh, trật tự;  Dân phòng xung kích bảo vệ an ninh, trật tự biên giới;...

Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp liên quan tội phạm mua, bán người, chưa tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân nào bị mua, bán trở về địa phương. Tuy nhiên, đã phát hiện, xử lý 41 vụ, 117 đối tượng có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Qua đó, xử lý hành chính 27 vụ, 68 đối tượng; cảnh cáo, giáo dục 29 đối tượng; trục xuất 6 đối tượng; đồng thời, khởi tố 6 vụ, 12 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Các trường hợp còn lại tiếp tục xác minh, làm rõ./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết