Tiếng Việt | English

20/10/2023 - 10:16

Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Với lợi thế tiếp giáp TP.HCM và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An quyết tâm đột phá trong phát triển các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT). Qua đó, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) đến Long An đầu tư dài hạn, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tăng tốc.

Thu hút đầu tư tăng cả dự án lẫn vốn

Thông tin từ Ban Quản lý (BQL) KKT tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư được 112 dự án (DA) mới với 73 DA đầu tư nước ngoài (FDI) và 39 DA trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư cấp mới là 534,8 triệu USD và 22.539 tỉ đồng. Bên cạnh đó, có 66 DA điều chỉnh vốn (55 DA FDI điều chỉnh với tổng vốn tăng 93,4 triệu USD, 11 dự án DDI điều chỉnh với tổng vốn tăng 367 tỉ đồng).

So cùng kỳ năm 2022, số lượng DA mới tăng tương đương 49% và vốn đầu tư tăng tương đương 57%. Lũy kế đến nay, tại các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 1.846 DA (903 FDI và 943 DDI), vốn đầu tư (đầu tư mới và tăng vốn) 6,2 tỉ USD và 138.630 tỉ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp là 4.278ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 2.836ha, lấp đầy 66,3%. Diện tích đất sạch có thể cho thuê trong 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp là 660,3ha.

Đối với KKT cửa khẩu, có 2 DA FDI có vốn đầu tư 75 triệu USD với diện tích 21,2ha và 2 DA DDI thuê 0,66ha đất.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 1.846 dự án đầu tư (Trong ảnh: Kho lạnh Long An, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, huyện Bến Lức, là một trong những kho bảo quản hàng hóa lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long)

Các KCN đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Quá trình hoạt động, các DN trong các KCN tạo việc làm cho gần 180.000 lao động.

Năm 2022, các DN trong KCN nộp ngân sách trên 6.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 25% ngân sách tỉnh. Trong đó, các DN FDI đã tạo ra giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, nộp ngân sách nhà nước gần 3.000 tỉ đồng.

Trưởng BQLKKT tỉnh - Lê Trường Chinh cho biết, Long An đứng thứ 3 cả nước về quy mô phát triển các KCN. Theo Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 13/6/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh có 51 KCN với tổng diện tích quy hoạch 12.433ha.

Đến nay, toàn tỉnh có 34 KCN được thành lập với tổng diện tích 9.251ha. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp với quy trình tự động hóa và sản xuất tiên tiến, tiếp nối và lan tỏa động lực phát triển từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Với mục tiêu này, các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh và định hướng thu hút đầu tư, đặc biệt để thu hút DN đầu tư vào các KCN, KKT.

Tăng cường công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Theo ông Lê Trường Chinh, những kết quả trong thu hút đầu tư vào các KCN, KKT thời gian qua đã chứng minh cho định hướng phát triển đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo của các cấp chính quyền tỉnh.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, BQLKKT tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải cách hành chính, thông tin, tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, nhanh chóng, đúng pháp luật và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, BQLKKT tỉnh cũng triển khai, thực hiện các chương trình xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ, tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN.

Trong đó, BQL là đầu mối kết nối hỗ trợ DN các vấn đề liên quan đến pháp luật về đầu tư, thuế, lao động, xuất, nhập khẩu, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, việc xây dựng hạ tầng KCN, khu tái định cư cho người dân nằm trong DA.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho gần 180.000 lao động

Thông tin từ UBND tỉnh, Long An có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp nhưng chưa phát triển như mong muốn. Để tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích các KCN trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh, Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở không làm thiệt hại và ảnh hưởng đến môi trường. Qua đó, tỉnh sẽ phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Song song đó, tỉnh lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, bảo đảm nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương; có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; tạo nhiều việc làm; hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Ông Lê Trường Chinh thông tin, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo được tỉnh triển khai ứng dụng nhanh, rộng rãi, hiệu quả và bền vững. Qua đó, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH của địa phương. BQLKKT tỉnh đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, ứng dụng hệ thống quản lý văn bản cho tất cả văn bản đến và đi; số hóa toàn bộ văn bản hồ sơ hành chính; ký số tất cả giấy tờ, giấy phép, 100% hồ sơ thủ tục hành chính đều được giải quyết bằng hình thức trực tuyến. DN có thể tải và dùng các giấy phép ký số để giao dịch lưu trữ như giấy tờ chính thức. Ban cũng rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ưu tiên giải quyết trước hạn các hồ sơ nộp trực tuyến.

Hiện nay, BQLKKT tỉnh tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh, phối hợp các sở, ngành, địa phương có KCN để thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Qua đó, thúc đẩy các chủ đầu tư KCN đẩy mạnh công tác đầu tư hạ tầng và xúc tiến đầu tư nhất là thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư có vai trò dẫn dắt để tận dụng tối đa lợi thế của tỉnh là giáp TP.HCM và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phục vụ phát triển công nghiệp.

Ban cũng thường xuyên rà soát các KCN chậm triển khai theo giấy chứng nhận đầu tư để tham mưu tỉnh xử lý ngay, không để tình trạng đầu tư không đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, Ban đề xuất các phương án xây dựng các khu tái định cư; chủ động phối hợp các công ty hạ tầng, địa phương đốc thúc công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch công nghiệp; đề xuất tăng tốc trong đề án phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân nhằm thu hút, giữ chân người lao động, tăng hơn nữa sự hấp dẫn của đất công nghiệp tại Long An.

Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh, tin rằng thời gian tới, với vị trí thuận lợi, nguồn đất công nghiệp dồi dào, chính sách ưu đãi, cải cách hành chính tốt, Long An tiếp tục là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững của tỉnh./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết